Xem bài mới hơn: Hướng dẫn tăng tốc WordPress từ A tới Z
Khi bạn vận hành một website WordPress, điều gì làm bạn lo lắng nhất? Là bảo mật hay cải thiện tốc độ cho nó? Nhìn chung thì cả 2 vấn đề này đều rất quan trọng cho chúng ta. Bảo mật giúp blog của bạn phát triển lâu dài và giảm thiểu các nguy cơ bị tấn công làm ảnh hưởng đến con đường phát triển, cải thiện tốc độ blog giúp giảm thiểu khả năng mất khách truy cập và giúp các máy tìm kiếm dễ dàng đánh chỉ mục website mình hơn.
Để giúp website mình có tốc độ tốt thì việc đầu tiên bạn phải làm là lựa chọn một nhà cung cấp hosting tốt và nếu đối tượng người đọc của bạn ở cùng quốc gia thì nên chọn hosting có máy chủ đặt tại quốc gia của bạn. Nhưng nếu vì những lý do nào đó, bạn sử dụng host nước ngoài và tốc độ ban đầu cũng không bằng các hosting trong nước, nhưng bạn phải cài thêm rất nhiều plugin khiến blog đã chậm lại còn ì ạch hơn. Vì lẽ đó, bây giờ mình sẽ mách cho bạn một số phương pháp cải thiện tốc độ blog thông qua một số plugin, lời khuyên và một số dịch vụ nên sử dụng. Chúng ta bắt đầu nào.
Công cụ kiểm tra website
Đây là một số công cụ miễn phí giúp bạn kiểm tra tốc độ website, đồng thời kiểm tra các truy vấn đến máy chủ để có thể biết được website mình nặng chỗ nào để tối ưu nó.
8 cách để cải thiện tốc độ blog WordPress
- Sử dụng bộ nhớ đệm (cache)
- Giảm dung lượng hình ảnh
- Xoá bỏ những plugin không cần thiết
- Sử dụng dịch vụ CDN
- Chọn theme thích hợp
- Tối ưu database
- Phân tích tốc độ tải trang
- Giảm thiểu quảng cáo trên trang
1. Sử dụng bộ nhớ đệm (cache)
Nếu bạn đang sử dụng WordPress mà không cài các plugin tạo cache cho website thì bạn mất đi 50% hiệu quả trong việc tăng tốc website rồi. Bằng cách lưu lại website dưới dạng file tĩnh HTML và sẽ truy xuất ra khi khách truy cập vào website thay vì phải thực thi các truy vấn gửi đến máy chủ như thông thường.
WP Super Cache là một plugin tạo cache cho WordPress tốt nhất tính đến thời điểm này nên mình nghĩ bạn nên cài nó cho website của bạn ngay lập tức nếu chưa có.
2. Giảm dung lượng hình ảnh
WP Smush.it là sự lựa chọn hàng đầu nếu như blog bạn sử dụng nhiều hình ảnh. Plugin này sẽ tối ưu hóa dung lượng hình ảnh xuống thấp nhất nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Tất nhiên, blog này chỉ hữu ích khi bạn upload ảnh trực tiếp lên host. Ngoài ra bạn cũng có thể tiến hành xóa các hình ảnh không sử dụng đến bằng plugin Image Cleanup.
3. Xóa bỏ plugin và những thứ không cần thiết
Hãy tiến hành xóa những plugin và widget không thật sự cần thiết hoặc không sử dụng đến để tiết kiệm dung lượng cho host đồng thời xóa bỏ các file javascript, CSS đi kèm nếu plugin đó có sử dụng.
Khi bạn xóa plugin, có thể các table trong database vẫn còn nguyên và như thế sẽ làm database thêm nặng, lúc này bạn có thể sử dụng plugin Clean Options để dò tìm và xóa những table không sử dụng đến. Các bạn yên tâm, tuy plugin này đã xuất hiện khá lâu nhưng tới thời điểm hiện tại (phiên bản WordPress 3.4.2) thì nó vẫn chạy tốt.
Cảnh báo: Hãy cẩn thận khi sử dụng plugin Clean Options vì bạn có thể bị mất dữ liệu nếu xoá nhầm.
4. Sử dụng CDN (Content Devilery Network)
Nếu bạn có điều kiện, hãy sử dụng các dịch vụ CDN để tăng tốc blog. Đây là một cách tốt nhất để cải thiện tốc độ website dựa vào các dữ liệu được sao chép vào các máy chủ ở gần người truy cập, hơn nữa tính năng tạo bộ nhớ đệm và tối ưu hóa các file CSS và Javascript rất tốt. Bạn có thể tham khảo một số nhà cung cấp dịch vụ CDN tốt nhất hiện nay tại đây.
Đa phần các dịch vụ này là trả phí, tuy nhiên bạn cũng có thể sử dụng một dịch vụ CDN miễn phí khá tốt đó là CloudFlare, nhưng đáng buồn thay dịch vụ này đang chịu một số tai tiếng, vì vậy hãy tham khảo các đánh giá trên Google trước khi sử dụng nó.
Và một điều quan trọng nữa là nếu blog bạn có sử dụng nhiều Javascript thì bạn cũng có thể sử dụng plugin Use Google Libraries để tự động thay thế các file javascript mà Google hỗ trợ để giảm gánh nặng tải trang cho blog và tiết kiệm băng thông. Một plugin cũng tương tự như thế nhưng chỉ làm việc với các file CSS và Javascript đó là jsDelivr WordPress CDN Plugin
5. Chọn theme thích hợp
Nếu bạn sử dụng các theme có quá nhiều CSS hay Javascript thì tốc độ tải trang cũng sẽ giảm đáng kể. Hãy sử dụng các theme đơn giản nếu hosting bạn có tốc độ kém, đồng thời hạn chế nhúng các file javascript vào theme.
6. Tối ưu hóa cơ sở dữ liệu
File database quá lớn cũng là một nguyên nhân khiến blog bạn trở nên chậm chạp ít nhiều. Sau mỗi bài viết, WordPress sẽ tự động lưu một số bản nháp vào cơ sở dữ liệu, và nếu blog bạn có 100 bài viết mà chưa dọn dẹp database lần nào thì coi như blog bạn có 200 bài viết. Plugin làm tốt công việc này là WP-Optimize.
Xem thêm: Dọn rác database cho WordPress.
7. Phân tích tốc độ tải trang
Sau khi bạn đã áp dụng 6 cách trên thì bây giờ là lúc bạn nên kiểm chứng tốc độ tải trang và phân tích xem chỗ nào chưa thật sự tối ưu. Nếu bạn biết được mình ngứa chỗ nào thì gãi đúng chỗ nó mới phê, đúng không các bạn. Và đó là lý do mình khuyên bạn nên sử dụng 1 trong các plugin dưới đây để thống kê và theo dõi tốc độ tải trang.
8. Giảm thiểu quảng cáo trên trang
Các mã quảng cáo thông thường sẽ có dạng Javascript hoặc chậm chí là Flash nên nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ tải trang trên website. Vì vậy nếu có thể, hãy giảm số quảng cáo đặt trên mỗi trang, tốt nhất chỉ nên 2 hoặc tối đa là 3 quảng cáo để tránh gây ảnh hưởng nhiều đến website.
Hy vọng với 8 phương pháp trên sẽ giúp bạn cải thiện một phần nào tốc độ của blog. Nhưng tốt nhất nếu bạn muốn blog có một tốc độ ổn định và nhanh thì nên chọn những nhà cung cấp hosting uy tín và phù hợp.