Trang chủ WordpressWordpress Development Bạn thích hợp làm plugin hay theme WordPress?

Bạn thích hợp làm plugin hay theme WordPress?

bởi Thạch Phạm
1 bình luận 3,1K views

Tham gia nhóm hỗ trợ WordPress

Tham gia nhóm Hỗ trợ Server - Hosting & WordPress để cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề về WordPress, tối ưu máy chủ/server.

Tham gia ngay

WordPress Theme Code

Nếu là một người sử dụng WordPress phổ thông chỉ dừng lại ở mức cài đặt các plugin và theme có sẵn để phù hợp với yêu cầu bản thân của mình thì có thể sẽ không nghĩ đến câu hỏi như tiêu đề, nhưng nếu bạn có kế hoạch tiến xa hơn hay là một người mới bước chân vào lĩnh vực Webmaster chuyên nghiệp thì nên dành ra vài ngày để suy nghĩ và định hướng xem mình thích hợp đi theo con đường nào.

Tại sao lại có sự khác nhau?

Sự khác nhau này những ai đã và đang theo nghề IT sẽ không có gì xa lạ nhưng có thể người ngoài nhìn vào họ chưa nhận ra. Một người làm theme và một người chuyên làm plugin có sự giống nhau là cũng làm việc với code, cũng sử dụng các hàm và API trong WordPress nhưng nó khác nhau vậy khác nhau cái gì?

Làm theme bao gồm những gì?

Vai trò của Backend Developer

Khuyến mãi Black Friday

Làm việc với theme là sẽ làm việc với những phần mà người dùng có thể nhìn thấy bên ngoài được, người ta thường gọi đó là Frontend và một người chuyên làm theme có thể được gọi là Web Frontend Developer.

Trước hết, một Web Frontend Developer phải có kiến thức chuyên sâu và vững chắc về HTML, CSS, Javascript cùng các thành phần mở rộng khác như jQuery hoặc các kỹ thuật và ứng dụng khác liên quan đến giao diện website. Ngoài ra các Frontend Web Developer cũng cần kiến thức về PHP để ít nhất có thể làm việc được với các CMS như WordPress, Drupal, Joomla,…Nhưng đôi khi lại không quan trọng nếu bạn không đủ thời gian vì khi làm việc theo nhóm, bạn chỉ cần làm việc với HTML, CSS và Javascript là nhiều nhất.

Thông thường khi làm việc theo nhóm thì các Frontend Web Developer sẽ có công việc là chuyển những chi tiết giao diện đã được thiết kế trên Photoshop do Web Designer đảm nhận thành một giao diện web tĩnh bằng HTML. Nhiệm vụ của họ là phải lên được một giao diện website đúng chuẩn như yêu cầu, hoạt động trên mọi trình duyệt và thân thiện với mọi thiết bị duyệt web. Đó là vai trò của Frontend Web Developer.

Course nên học:

Viết plugin thì chuyên những gì?

php_code

Theo hiểu biết của mình thì nếu bạn theo con đường viết plugin cho WordPress thì bạn phải đi theo con đường là một Web Backend Developer.

Các kiến thức của một Web Backend Developer cần phải có là có thể không cần tập trung quá nhiều vào CSS và jQuery nhưng kiến thức về các ngôn ngữ lập trình web như PHP, Ruby, Python,….thì không bao giờ thiếu, dĩ nhiên đã là kiến thức cần thì bạn nên hiểu chuyên sâu về nó, ít nhất là có thể tự lập trình một website ứng dụng trên mỗi ngôn ngữ và WordPress chỉ là một kiến thức rất rất nhỏ mà các Web Backend Developer cần nên biết.

Nhiệm vụ của họ là làm việc với Server-side, tức là những công việc liên quan đến việc gửi và tiếp nhận dữ liệu từ website đến server để thực thi những điều kiện được các lập trình viên đặt ra. Và tối ưu code để hoạt động trơn tru, tăng phần bảo mật,….

Mặc dù trong bài mình ít nhắc đến WordPress nhưng bạn cũng nên hiểu rằng WordPress cũng được viết bằng PHP & MySQL nên không chỉ riêng với WordPress mà những CMS khác sử dụng PHP cũng cần bạn phải có sẵn những kiến thức bắt buộc về nó, lúc đó thì mọi thứ trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.

Course nên học:

Làm sao để xác định con đường phù hợp?

Mình không dám nói là chia sẻ cho các bạn về định hướng đúng đắn nhưng hy vọng với những gì mình biết được sẽ có thể giúp cho nhiều bạn mới bước vào nghề.

Trước khi chọn đúng con đường phù hợp với mình thì bạn nên tìm hiểu xem bản thân bạn có đam mê và thích làm gì trên web nhất?

Chọn con đường làm theme

Bạn có thích vẽ hươu vẽ vượn lên web và có thể dành cả ngày ra chỉ để tìm hiểu một phương pháp trang trí web bằng CSS không? Bạn có cảm thấy hứng thú tột độ với các hiệu ứng trong jQuery chứ? Hay cụ thể hơn là bạn yêu thích công việc làm ra các theme mang phong cách của riêng mình? Nếu bạn có hứng thú với mấy cái này thì có thể bạn phù hợp để theo con đường Frontend Developer và chuyên về việc làm theme cho WordPress. Theme đẹp hay xấu là tùy thuộc vào mắt thẩm mỹ và cách sử dụng CSS khéo léo của bạn đấy.

Như mình đã nhắc qua ở trên, một Frontend Developer nên hiểu sâu và sử dụng sành sỏi HTML và CSS để làm một giao diện website thật đẹp. Và nếu bạn không muốn mình trở nên lạc hậu thì hãy tranh thủ học thật rành Javascript, jQuery và Responsive cùng với việc sử dụng thành thạo các CSS Framework như Foundation, Boostrap và Javascript Framework như Backbone.js, Angular, jQuery, MooTools,….Tất cả những gì mình nhắc qua đều có thể ứng dụng vào WordPress.

Chọn con đường viết plugin

Con đường này có vẻ không đầy màu sắc và nhí nhảnh như Frontend Developer vì bạn sẽ cắm mặt cám mũi vào những đoạn code vô tri vô giác cả ngày để tìm ra một giải pháp mà bạn đang tìm kiếm. Tuy nhiên, như thế là đủ cho những ai đam mê con đường này.

Nếu bạn muốn viết được một plugin WordPress tốt thì đầu tiên bạn phải nắm thật vững PHP & MySQL căn bản và nâng cao để ít nhất bạn có thể biết cách ứng dụng những APIs, hàm mà WordPress nó hỗ trợ sẵn mà bạn có thể tìm kiếm tại WordPress Codex. Kế tiếp, hãy trang bị một chút kiến thức HTML, CSS, Javascript bởi vì bạn không thể là một Backend Coder tốt nếu không thể tự lên một giao diện website dù cơ bản nhất, ít nhất là bạn cũng có thể làm việc để tạo ra một theme.

WordPress chỉ sử dụng PHP thôi nên bạn chỉ cần biết một ngôn ngữ này là quá đủ, nhưng nếu bạn có hứng thú thì việc tìm hiểu và học qua Python, Ruby, .NET cũng không thừa thải vì nó sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu hơn về thế giới lập trình web.

Hơn nữa, kỹ thuật bảo mật website cũng không bao giờ thiếu vì PHP quá phổ biến nên chỉ cần bạn sử dụng sai hoặc không khéo léo thì có thể khiến website của bạn bị tấn công bất kỳ hình thức nào, và đây cũng là vấn đề mà bạn sẽ luôn đặt ra câu hỏi trong suốt quá trình sống với danh nghĩa là một Web Backend Developer.

Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, mình khuyên bạn nên bắt đầu với PHP vì nó là một ngôn ngữ dễ học, phổ biến và nhiều tài liệu tiếng Việt để bạn tham khảo.

Làm thế nào để tự học tốt nhất?

Tự học không dễ nhưng thú vị

Tự học không dễ nhưng thú vị

Các trang học như Udemy, QHOnline cũng là nguồn học lập trình web rất tốt nhưng nếu bạn muốn giỏi thì tốt nhất là tự học sau khi đã học qua các kiến thức căn bản. Có một cái sai lầm khá lớn cho những người mới học lập trình web là rất thích copy code trong các bài học chứ không gõ lại, điều này vô tình tạo ra cho bạn thói quen không tốt và thiếu khả năng cảm thụ code, vì về sau bạn sẽ còn nhiều cơ hội đọc hiểu và viết code dài gấp mấy chục lần so với các ví dụ trong bài học.

Cái thứ hai là nên rèn luyện tiếng Anh thật tốt vì nó không chỉ giúp bạn dễ dàng đọc các tài liệu nước ngoài mà còn giúp bạn dễ dàng tìm kiếm trên Google cũng như đặt câu hỏi ở các trang hỏi đáp chuyên về công nghệ như StackOverFlow chẳng hạn.

Cái thứ ba là nên chăm chỉ đọc các documentation nhiều nhất có thể dễ hiểu được những khái niệm. Nếu là Web Frontend Developer, CSS thì bạn nên đọc kỹ Mozilla Web Documentation và nếu Web Backend Developer thì bạn nên dành vài tuần xem PHP Manual và đặc biệt là WordPress Codex để bạn có thể phát triển theme, plugin hiệu quả.

Nếu bạn không thể đọc tiếng Anh tốt, hãy cài ngay Lingoes vào máy (Windows) hoặc các phần mềm tra từ điển nhanh tương tự để có thể tra ngay từ mới trong quá trình đọc mà mình đã chia sẻ tại đây. Tin mình đi, cứ chịu khó ấn phím tắt để tra khi gặp từ mới và cứ tra đến khi nào bạn thuộc các từ đó vì mình cam kết là bạn chỉ cần gặp tầm 5 lần là nhớ ngay ý nghĩa, mình đã tập đọc một tài liệu tiếng Anh theo cách đó trong vòng 1 tháng làm liên tục và giờ mình đọc khỏi cần tra vì gặp quá nhiều lần rồi, đa phần là thuật ngữ.

Cuối cùng là hãy thực hành, thực hành không ngừng nghỉ cũng như không bao giờ tự học thêm các kỹ thuật hay công nghệ mới vì kiến thức IT là vô tận, muốn nắm bắt theo xu hướng thì bạn phải luôn tự học.

Lời kết

Kết lại trong bài này mình muốn truyền đạt cho các bạn hiểu sự khác nhau giữa một người làm theme và một người làm plugin WordPress là như thế nào, nhờ đó mà mình cũng có cơ hội nói qua vai trò của Web Backend Developer và Web Frontend Developer cũng như cách tiếp cận nó theo những gì mình đã trải qua.

Hy vọng với một bài này sẽ giúp giải đáp được một số thắc mắc mà mình đã từng nhận được liên quan đến việc chọn hướng đi để phát triển. Hãy nên nhớ rằng, chúng ta không thể học tất cả, mà có học tất cả thì chắc gì đã ứng dụng được tất cả, một nghề cho chín còn hơn chín nghề nhé.

Đánh giá nội dung này
1 bình luận

Có thể bạn quan tâm

Hiện tại blog tạm đóng bình luận vì mình cần tập trung thời gian vào cập nhật bài viết. Bình luận sẽ mở ra cho đến khi mình sẵn sàng.