Các bạn nhìn tiêu đề xem, đã bao giờ bạn tự hỏi một câu như vậy chưa? Đã bao giờ bạn muốn ước ao làm sao đó để mình có khả năng tự thiết kế cho mình một theme WordPress riêng hoặc xa hơn nữa là đi chia sẻ cho cộng đồng. Không phải là tất cả nhưng mình nghĩ là đã có khá nhiều người đã từng nghĩ như vậy (trong đó có mình). Thật sự nói thẳng ra thì bây giờ mình không phải là một chuyên gia về thiết kế theme mà đặc biệt là WordPress, nhưng mình đã và đang tìm ra hướng học để có thể tự thiết kế theme WordPress nói riêng hoặc develop một giao diện cho bất kỳ CMS nào, và sau một thời gian dài học theo hướng đó thì mình cảm nhận được mình đã tiến bộ hơn xưa rất nhiều, mình nghĩ đó là một hướng học đúng.
Vì vậy trong bài này, sẽ không có gì khác hơn ngoài việc chia sẻ hướng học cho những bạn nào muốn trở thành một Web Designer nói chung và WordPress Designer nói riêng, mình nghĩ là cái vòng luẩn quẩn ở suy nghĩ “nên học gì trước“, “phải học gì đây?“,…nên kết thúc ngay tại bài viết này. Lưu ý là mình sẽ không nói qua công dụng của từng thứ vì bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về nó trên Google.
Nên xem: Định hướng nghề làm website.
Học gì để thiết kế theme WordPress
Học tiếng Anh
Hè, có thể là nó hơi thừa khi nhắc ra ở đây nhưng theo mình quan sát thì vẫn có nhiều người muốn trở thành một Web Designer giỏi hay trở thành Master bất cứ lĩnh vực nào trong Công nghệ thông tin nhưng khổ nỗi vẫn không chịu học tiếng Anh. Với tư cách là một thằng đã từng xem thường tiếng Anh và rất ngu tiếng Anh quả quyết với bạn rằng, trong thế kỷ 21 này nếu không có tiếng Anh phòng thân thì coi như mất đi 30% cơ hội trong cuộc đời rồi. Mà nếu bạn làm việc và chôn thân vào những nghề IT thế này thì tiếng Anh có thể chiếm 50% nguyên nhân để làm bạn thành công hơn. Nói thật với mọi người, trước đây mình đọc rất nhiều tài liệu tiếng Việt nhưng đọc suốt 2 năm trời chả tiếp thu gì được nhiều, nhìn các bài tut trên Tutplus hay Lynda bằng tiếng Anh thấy mà thèm, từ đó tự nhủ với lòng rằng phải học tiếng Anh thật tốt. Sau một thời gian ngắn học tiếng Anh, mình bắt đầu tập đọc tài liệu tiếng Anh và kết quả là bạn chỉ cần xem xong một khóa học nào đó bằng tiếng Anh là cảm thấy kiến thức mình khác ngay so với lúc mình đọc tài liệu tiếng Việt. Mà chúng ta đều biết rằng, thuật ngữ IT mà dịch thành tiếng Việt thì chuối đừng hỏi.
Có vốn tiếng Anh rồi bạn có thể làm được khá nhiều việc, nào là tìm tài liệu, nào là hỏi trên các diễn đàn quốc tế, nào là chém gió với thằng hỗ trợ kỹ thuật hosting nước ngoài,……Cơ mà đừng quên tiếng Việt nhé, không thì blog mình ế đấy. :sosad:
Bạn sẽ thích:
HTML – XHTML
Đây là một thứ bắt buộc mà bạn phải nắm thật vững trước khi học thêm bất cứ ngôn ngữ thiết kế website nào. HTML giống như là bộ xương, là những gì cốt lõi nhất trên cơ thể người vậy. Mình nghĩ những ai ở đây cũng đã đều biết qua HTML và nắm thật vững nó, nhưng nếu những ai chưa vững HTML thì nên ôn và luyện tập lại cái này đến khi nào bạn có thể tự lên một layout website đơn giản nhất.
Theo kinh nghiệm của mình là khi học HTML, có một số phần chúng ta có thể ít sử dụng mà cũng có phần chúng ta sử dụng rất thường xuyên. Theo như mình quan sát thì những phần mà bạn sẽ sử dụng nhiều nhất đó là div, ul, li, span, p, a, img
và thuộc tính class
. Đặc biệt nhất là div
, bạn sẽ phải sử dụng nó nhiều có thể còn nhiều hơn ăn cơm nữa đó.
Xem thêm: Học HTML cơ bản
CSS
Đã học HTML thì bạn sẽ không thể nào thiếu CSS, nếu HTML là bộ xương hay cơ thể người thì CSS chính là quần áo khoác lên cơ thể chúng ta mỗi ngày, hiển nhiên chẳng ai trần như nhộng đi ra đường bao giờ đúng không (trừ khi…). Thường thì mình học CSS cùng lúc với HTML luôn để có thể lên style, màu sắc và định dạng cho nó.
Học CSS cũng giống như ăn cơm, học thì rất nhanh nhưng chúng ta cần luyện tập và trau dồi kỹ năng thường xuyên vì với CSS3 bạn có thể thỏa sức sáng tạo, đó là lý do mà có một số blog chuyên về CSS như CSS-Trick hay Izwebz đều thường xuyên ra các tutorial CSS.
Nên xem: Học CSS căn bản toàn tập
Javascript
Cái này không quan trọng như CSS hay HTML nhưng cũng là một ngôn ngữ lập trình mà bạn nên nắm qua nếu bạn muốn làm Web Designer, còn Web Developer thì gần như là bắt buộc rồi để có thể xử lý các tình huống phức tạp trên website. Nhưng tin mình đi, nếu có điều kiện thì hãy cố gắng trau dồi và tập luyện Javascript lên đến mức “đủ dùng” vì nhiều trường hợp bạn sẽ phải cần đến nó rất nhiều. Ví dụ cụ thể nhất là nếu bạn muốn sử dụng tốt AJAX, jQuery, Slick Grid,….thì bạn phải thông thạo Javascript.
Nên xem: Học Javascript cơ bản – Hành trình của một anh hùng.
jQuery & AJAX
2 cái này khá là quan trọng trong thời buổi hiện nay vì jQuery đã thật sự rất phổ biến rồi, AJAX cũng từng có một thời phổ biến nhưng hiện nay thì hơi ít thấy nhưng nó không có nghĩa là không quan trọng. Thường thì dù bạn làm việc với các project lớn hay đi xin việc thì họ cũng yêu cầu bạn phải nắm vững jQuery và AJAX.
PHP và MySQL
Mình cho nó vào chung ở đây nghĩa là bạn phải học qua 2 ngôn ngữ này luôn chứ không phải chỉ học PHP ứng dụng với MySQL để làm website động. Tầm quan trọng của PHP thì có lẽ mình đã không cần nói rồi, ở thời đại web 2.0 như hiện nay thì không có kiến thức PHP thì cũng giống như bạn đang đi lùi thời đại vậy.
Đừng nghĩ rằng WordPress đã có sẵn hết thì không cần học PHP, hãy xem lại bài custom post type của mình và bạn sẽ thấy nó thật khó hiểu như thế nào nếu không có kiến thức về PHP, hoặc bạn không thể làm WordPress khác hơn ngoài một trang blog thông thường nếu không biết PHP để ứng dụng các hàm có trong WordPress. Nói tóm lại, bạn cần nên học PHP và MySQL thật vững chắc, học tới thành siêu nhân thì thôi.
WordPress Documentation/WordPress Codex
Để làm gì nhỉ? Là để bạn có thể làm việc tốt với WordPress như hiểu và sử dụng các hàm – loop có sẵn trong WordPress. WordPress Documentation là một thư viện rất đồ sộ mà bạn có thể tìm thấy tất tần tật những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao mà bạn cần nắm rõ về WordPress. Thực ra mình biết đó là nhiều người hiện nay không quan tâm đến cái documentation này vì cứ dùng tới đâu là hiểu tới đó, nhưng nếu bạn có ý định muốn nắm vững WordPress trên một trình độ cao hơn để design hoặc develop thì bạn cần nên đọc qua nó, hoặc tốt nhất là xem nó như là một sổ tay và bạn nên mở ra khi cần.
Photoshop – Illustrator
Nếu bạn đã từng biết qua về Web Design thì có thể biết rằng cả 3 thứ này là một trong những kiến thức mà với bất cứ một web designer nào cũng cần trang bị. Bạn không thể lên một layout bằng giấy và sau đó là lên màu tùy hứng được, hoặc bạn không thể làm mất đi sự chuyên nghiệp khi thiết kế logo, icon mà không thông qua Illustrator.
Theo kinh nghiệm của mình là bạn nên học Photoshop càng sớm càng tốt, học trước HTML cũng được.
Kiến thức thiết kế cơ bản
Cách lên bố cục, cách phối màu, cách thiết kế theo chuẩn UXD, Typography,…đó đều là những kiến thức bắt buộc nếu bạn muốn theme bạn làm ra có thể thu hút người dùng hoặc ít nhất là coi sao cho được. Thực ra cái này một thời mình đã lầm tưởng và bỏ qua nó, đến bây giờ thì rất hối hận và mình đang cố gắng cày cuốc mỗi ngày để nâng cao các kiến thức chung về thiết kế. Vì nếu có nó, đầu óc bạn mới trở nên nhạy bén với thiết kế và từ đó có thể nảy ra các ý tưởng theme WordPress điên rồ hoặc tuyệt vời.
SEO
Thường thì các designer chỉ cần kiến thức SEO Onpage là đủ vì từ đó bạn mới có thể ra hướng thiết kế làm sao cho giao diện của mình có thể đạt chuẩn SEO hoặc ít nhất cũng sắp xếp như thế nào để bot dễ dàng crawl các nội dung bên trong.
Vậy học như thế nào? Học ở đâu
Cách học code/design hiệu quả
Trước tiên thì bàn về học code trước cái đã, như anh Demon Warlock ở izweb đã nói rằng học thông qua video luôn dễ tiếp thu hơn đọc sách, phân chia màn hình ra 2 khu vực, 1 bên là phần mềm Editor, 1 bên là video và xem tới đâu gõ tới đó. Mình hoàn toàn đồng ý với cách học này mà chứng minh cụ thể nhất là mình đây, từ lúc trước tới giờ mình luôn học bằng video chứ ít khi nào đọc ebook lắm vì đọc ebook có thể bạn không có nhiều cảm hứng như xem video, mà lại dễ gây mệt mỏi và nhàm chán nữa.
Học code cũng là cả một quá trình luyện tập thường xuyên chứ không phải một sớm một chiều, học code thì cũng đồng nghĩa với việc bạn luyện tập tư duy lập trình. Vì vậy để cải thiện được 2 cái này tốt thì tuyệt đối không bao giờ copy/paste các code khi học mà nên tự gõ bằng tay. Nó sẽ giúp bạn nhớ được các câu lệnh, cú pháp một cách nhanh nhất mà quan trọng nhất là khi có lỗi thì còn biết mình lỗi ở đâu để mà sửa.
Ngoài việc học trên các giáo trình thì bạn cũng đừng quên các cộng đồng hay các blog/website chuyên về mảng này để đọc các tutorial lẻ và làm theo. Hoặc hơn thế nữa là giao lưu, hỏi đáp cũng những người có cùng chuyên môn, đừng bao giờ tự học rồi tự thẩm du nhé, không tốt đâu.
Học design như thế nào?
Thực ra thì design ngoài các kiến thức cơ bản thì quan trọng nhất là bạn phải siêng và có đầu óc sáng tạo tí. Sáng tạo cũng có thể là do bẩm sinh mà có nhưng bạn có thể hoàn toàn luyện tập, thề đấy. Hãy thu thập những website chuyên về đồ họa và nhìn ngắm các tác phẩm của người ta mỗi ngày, sau đó là tự phân tích màu sắc/bố cục mà họ sử dụng để có thể nâng cao khả năng cảm thụ thiết kế. Từ lúc đó bạn mới có thể tự nảy ra các ý tưởng thiết kế cho riêng mình.
Học ở đâu?
À há, đây là vấn đề quan trọng nhất nè. Chọn nơi học đúng là một việc vô cùng quan trọng khi học bất cứ cái gì, ít nhất là đối với kinh nghiệm của mình.
Trước khi đi vào vấn đề học thì mình xin chia sẻ với bạn một tips, đó là nên bỏ tiền để học mặc dù có rất nhiều tài liệu miễn phí rất tốt có thể tham khảo. Nhưng đây là yếu tố tâm lý, nếu bạn bỏ tiền ra với con số vài trăm hay vài triệu thì thái độ học nó sẽ khác nếu như học miễn phí, bạn sẽ học với tinh thần có trách nhiệm hơn và học từng chút cho đáng với đồng tiền mình bỏ ra. Mặc dù mình cũng nghèo nhưng mình cam kết với bạn rằng trả tiền để học chưa bao giờ là phí phạm cả, kiến thức là vô giá. Dưới đây là một số nguồn học của mình.
Nếu bạn có thể đọc tiếng Anh thì nên học code ở đây, bao gồm HTML, CSS, Javascript, jQuery, Ruby, Python, PHP, SQL,….Tại sao nên học ở đây? Ngoài việc hoàn toàn miễn phí thì bạn sẽ được học code theo cách thực hành ngay trong lúc học, tức là thay vì đọc lý thuyết và thực hành riêng, thì ở CodeAcademy bạn sẽ học trực tiếp từ việc giải bài tập thông qua các gợi ý của họ.
Kho tài liệu video nổi tiếng này thì không cần phải nói quá nhiều nữa rồi, hãy nhắm một chủ đề muốn học trước và sau đó là trả phí thành viên (có miễn phí 21 ngày). Rồi bạn sẽ thấy đồng tiền của mình có giá trị như thế nào. Có một chuyện khá buồn cười của mình ở đây đó là mình chỉ dám subscribe mỗi tháng chứ không có nhiều tiền mua mỗi năm, thế là khi nào cần học là lại gạt hết công việc trong 1 tháng và bắt đầu học ngay khi subscribe để không phải phí tiền, vì giá không phải là rẻ. Nhưng chính vì vậy mà mỗi lần học mình rất chú tâm vì đã trả tiền mà không chịu học thì hoá ra mình ngu sao.
Nếu bạn là người không có thời gian thì thay vì phải trả phí mỗi tháng, bạn có thể vào Udemy mua hẳn một khoá học (từ vài chục đến vài trăm đô-la) là bạn có quyền học bất cứ khi nào mình thích. Các khoá học tại Udemy rất đa dạng và phong phú, ngoài ra cũng có rất nhiều khoá học hoàn toàn miễn phí.
Nếu bạn là người muốn học sâu vào Web Design thì các khoá học tại TeamTreeHouse sẽ giúp bạn. Không giống với Lynda, Udemy mà TeamTreeHouse chỉ có các khoá học chuyên về Web Design và Web Development (dành cho người theo nhánh Full Stack Development). Hình thức trả phí cũng giống Lynda, bạn phải trả hàng tháng.
Bộ DVD PHP MySQL & IzCMS của IzWebz
Như mình đã nói ở trên, bạn phải nắm rõ PHP nếu muốn dùng tốt WordPress. Và nếu bạn là người mới bắt đầu, ngại tiếng Anh thì có thể xem bộ DVD này, rất dễ hiểu và bạn có thể nắm rõ các kiến thức PHP cần thiết để có thể tự tạo một trang web động, tất nhiên là các kiến thức đó bạn có thể áp dụng vào trong WordPress. Đây là một bộ DVD không bao giờ thừa nếu bạn muốn trở thành Web Designer hoặc Web Developer.
Nếu bạn muốn cày PHP từ cơ bản (PHP & MySQL) đến nâng cao (học pattern MVC và OOP) đến việc làm việc với các PHP Framework đình đám như Laravel, CodeIgniter thì hãy đăng ký các khoá học tại đây, dĩ nhiên là tiếng Việt và học online. Ngoài ra mới đây, bên đó cũng có bổ sung một khoá học lập trình WordPress.
Bạn học theo cách nào?
Tất cả những gì mình chia sẻ ở trên đều là kinh nghiệm và những cách học riêng của mình và đối với mình nó rất phù hợp, dễ tiếp thu mà không còn phải quanh quẩn trong vòng xoáy câu hỏi “nên bắt đầu từ đâu?” nữa. Nhưng mình không chắc chắn đó có phải là những tài liệu tốt hay cách học tốt nhất hay không, vì vậy nếu bạn có cách học thiết kế theme WordPress hay hơn, có hiệu quả hơn thì hãy chia sẻ cùng mình và mọi người nhé.