Một trong những các tính năng thú vị nhất của WordPress nhưng chúng ta lại ít khi tận dụng đó chính là tính năng tạo một mạng lưới nhiều website trên một mã nguồn WordPress duy nhất, tính năng này họ gọi là WordPress Multisite. Trước đây nó có một tên khác là WordPress Multi User (WPMU) nhưng giờ chúng ta nên gọi là WordPress Multisite cho chính xác.
WordPress Multisite là một tính năng có sẵn trong mã nguồn WordPress kể từ phiên bản 3.0 trở đi. Nó sẽ giúp chúng ta tạo ra một mạng lưới các website trên một mã nguồn WordPress duy nhất, và chúng ta có thể tạo ra bao nhiêu website con dựa trên mạng lưới đó mà không cần phải cài đặt thêm mã nguồn riêng cho từng website.
Ứng dụng của WordPress Multisite
Hầu hết nếu chúng ta có nhu cầu tạo ra một mạng lưới nhiều website liên kết với nhau trên cùng một máy chủ thì có thể sử dụng WordPress Multisite. Ví dụ như trang tutsplus.com có nhiều trang con như design.tutsplus.com, code.tutsplus.com, music.tutsplus.com và chúng ta có thể sử dụng WordPress Multisite để tạo nhiều trang con trong một mạng lưới như vậy, thậm chí có thể kết nối các người dùng ở mỗi website lại với nhau để họ có thể đăng nhập được trên bất kỳ trang nào trong mạng lưới.
Lợi ích và khi nào không nên dùng WordPress Multisite
Trước hết chúng ta sẽ cần biết lợi ích của việc dùng WordPress Multisite là:
- Dễ dàng quản lý bản cập nhật của mã nguồn và của các plugin/theme bởi vì tất cả các website con trong mạng lưới đều dùng chung một mã nguồn, một phiên bản theme và plugin.
- Có thể tạo ra bao nhiêu website con tùy thích và dễ dàng phân quyền, quản lý nó.
- Tiết kiệm tài nguyên vì dùng một mã nguồn cho nhiều website sẽ tiết kiệm hơn là mỗi website một mã nguồn.
Tuy nhiên, chúng ta nên cân nhắc không nên sử dụng WordPress Multisite khi:
- Bạn cần mỗi website là một IP riêng vì các website con cho dù có dùng tên miền riêng đi chăng nữa cũng chỉ là trỏ đến IP của website mẹ nên không thể dùng IP riêng cho các website con.
- Bạn cần database riêng bởi vì tất cả các website con trong một mạng lưới sẽ dùng chung một database, chỉ là nó có những bảng dữ liệu riêng.
Nhìn chung nếu bạn cần xây dựng một hệ thống website mà bạn tin rằng sẽ không có sự khác biệt quá lớn về hình thức thì có thể dùng tính năng này.
Lời kết
Bây giờ có thể bạn đã hiểu sơ sơ qua về WordPress Multisite rồi, và nhớ lưu ý đọc qua xem WordPress Multisite có phù hợp với bạn hay không. Nếu tính năng này phù hợp, hãy chuyển qua bài kế tiếp để bắt đầu cài đặt nó nào.