Đây là bài đầu tiên mà Sáu muốn gửi đến các bạn trong serie học lập trình plugin cho WordPress. Có thể nói plugin là thành phần quan trọng nhất trong khi sử dụng WordPress, bạn có thể tìm và sử dụng rất nhiều plugin miễn phí trên kho chứa plugin khổng lồ của WordPress hoặc thậm chí là mua luôn những phiên bản plugin pro để sử dụng. Ngoài ra, đối với những thứ đơn giản hơn thì bạn có thể tự tay viết cho mình một plugin để sử dụng, thậm chí plugin này chỉ bao gồm vài dòng code hoặc nhiều hơn 1000 dòng code.
Giới thiệu phần 1 của serie học lập trình plugin WordPress
Trong phần 1 này chúng ta sẽ tìm hiểu sơ qua về plugin và tầm quan trọng cũng như sức ảnh hướng của nó trong việc giúp WordPress đi lên đứng vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng các mã nguồn viết blog. Tại sao chúng ta lại dùng đến plugin, tại sao WordPress không tích hợp mọi thứ vào bộ cài đặt mà họ lại để cho người dùng tự viết plugin riêng?
Câu trả lời chắc bạn cũng đã biết, ý tưởng có thể được xuất hiện từ bất cứ đâu, đối với các cá nhân hoặc tổ chức khi viết plugin họ đều để lại dấu ấn riêng. Nhiều plugin hay được tổng hợp lại sử dụng trên một blog chạy WordPress thì sẽ tạo thành một tổng thể hoàn thiện, chức năng tuyệt vời còn hơn cả sự mong đợi.
Plugin là gì
Plugin là một phần mềm, hay nói cách khác nó là một hay nhiều tập tin PHP có chứa nhiều dòng lệnh hoặc hàm (function) do người dùng viết ra. Và dĩ nhiên nếu đã là các tập tin PHP thì plugin sẽ phải được viết với ngôn ngữ PHP, trong đó ngoài các hàm do người dùng tạo ra thì còn các hàm kế thừa từ thư viện có sẵn của WordPress.
Đối với WordPress, nếu bạn cần một plugin nào đó thì bạn có thể tìm kiếm trước trên mạng thông qua Google hoặc tìm kiếm trực tiếp trên kho plugin của WordPress.
Khi đến với kho plugin này, bạn sẽ dễ dàng tìm kiếm cho mình một plugin vừa ý bởi hệ thống có hỗ trợ đánh giá xếp hạng theo sự phổ biến của plugin hoặc sắp xếp plugin theo từng chức năng.
Tại sao lại phải dùng plugin
Nếu như bạn xem WordPress là shop bán đồ chơi thì một trang blog WordPress mà không cài đặt plugin thì coi như shop đồ chơi đó chỉ có cái vỏ chứ không có đồ chơi được chứa đựng bên trong.
Có rất nhiều plugin với mục đích sử dụng khác nhau, nó cung cấp cho người dùng một số chức năng và tiện ích nhất định. Bạn có thể tìm kiếm plugin để phục vụ một vài sở thích nào đó của bạn hoặc plugin đó sẽ làm cho việc quản lý blog của bạn tốt hơn.
Bạn không thể sử dụng WordPress mà không có plugin, ví dụ như plugin WordPress SEO sẽ giúp cho bạn dễ dàng thực hiện công việc SEO cho blog WordPress hơn.
Bạn cần phải có những kiến thức gì trước khi bắt đầu?
Cũng giống như việc lập trình giao diện cho WordPress, trước khi có thể đi vào phần nội dung tiếp theo trong serie này thì bạn cần phải có một số kiến thức nhất định, những kiến thức yêu cầu chung Sáu sẽ liệt kê trong danh sách bên dưới.
- Kiến thức về HTML và CSS cơ bản
- Kiến thức về PHP cơ bản
- Ngoài 2 loại kiến thức bên trên thì bạn có thể bổ sung thêm kiến thức về MySQL, Javascript,… nếu cần.
- Kiến thức về Action Hook và Filter Hook.
Để có thể lập trình được plugin cho WordPress thì tối thiểu nhất bạn phải có kiến thức về PHP. Nếu như plugin của bạn không cần đụng tới các kiến thức khác thì có thể bỏ qua, nhưng Sáu nghĩ chỉ có PHP không thì sẽ không thực hiện được, cần phải có thêm HTML và CSS nữa.
Công cụ cần thiết
Không phải chỉ có kiến thức không là đủ, bạn phải có công cụ để học lập trình plugin cho WordPress, danh sách các công cụ này cụ thể sẽ được liên kê bên dưới, bạn kiểm tra lại nhé.
- Phần mềm hỗ trợ lập trình PHP (Đề nghị dùng Notepad++ hoặc Sublime Text 2).
- Máy tính của bạn đã cài đặt giả lập localhost (Đề nghị dùng XAMP hoặc AppServ).
- Bạn đã cài đặt sẵn một blog WordPress trên localhost.
Sở dĩ phải cài đặt localhost trên máy tính của bạn là vì Sáu không muốn bạn phải mất công upload lên hosting, Sáu không muốn bạn làm hỏng trang của mình khi chưa có kinh nghiệm viết plugin và Sáu muốn nhắc nhỏ với bạn rằng đối với lập trình web thì bạn phải làm test thử ở localhost trước và kiểm tra nếu chạy ngon lành hết rồi thì mới đem lên trang chính để sử dụng.
Kết luận phần 1
Trong bài viết này Sáu đã giới thiệu cho bạn một vài thông tin có liên quan đến việc học lập trình plugin cho WordPress, bạn đã hiều được khái niệm về plugin cũng như sự cần thiết của nó. Ngoài ra bạn đã biết được những kiến thức và những công cụ nào cần thiết trước khi tiến hành đi vào công đoạn code plugin.
Sáu sẽ đi vào phần 2 của serie với tựa đề Bắt đầu viết plugin cho WordPress, bạn nhớ đón xem bài viết tiếp theo trong serie này nhé. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích được bạn và sẽ làm tiền đề để bạn có thể phát triển plugin WordPress theo hướng chuyên nghiệp.