Các thiết lập tài khoản trong Woocommerce sẽ bao gồm những tùy chọn liên quan đến việc đăng ký tài khoản hoặc quản lý tài khoản khi khách mua hàng, ngoài ra nó còn có thêm một phần khá quan trọng mà ít bạn để ý đến đó là điểm cuối kết nối của tài khoản (end-point) để dẫn đến một số trang quan trọng. Trong bài ngắn này mình sẽ nói kỹ hơn về nó.
Các thiết lập về tài khoản trong Woocommerce sẽ bao gồm:
Trang tài khoản
Chọn trang làm trang chính quản lý tài khoản, trang đó bắt buộc phải chứa shortcode tương ứng để có thể hiển thị thông tin tài khoản thành viên.
Trang này đã tự tạo ra khi cài đặt WooCommerce. Nếu bạn đã lỡ xóa thì có thể tạo một trang mới, đặt shortcode vào nội dung của trang và chọn tại thiết lập này.
Điểm cuối kết nối
Điểm cuối kết nối là những tên đường dẫn dựa trên đường dẫn trang tài khoản. Ví dụ trang xem các đơn hàng của khách (khi họ đăng nhập) mặc định có tên là view-order
thì nó sẽ có liên kết là domain.com/tai-khoan/view-order
. Bạn có thể viết lại thành tiếng Việt nhưng không dấu và không khoảng trắng, ví dụ: xem-don-hang.
- Xem đơn hàng: Tên điểm cuối của trang hiển thị tất cả đơn hàng của khách.
- Sửa tài khoản: Tên điểm cuối của trang sửa thông tin tài khoản.
- Sửa địa chỉ: Tên điểm cuối của trang sửa địa chỉ.
- Quên mật khẩu: Tên điểm cuối của trang quên mật khẩu.
- Đăng xuất: Tên điểm cuối của trang đăng xuất
- Tùy chọn đăng ký
Các tùy chọn ở đây sẽ liên quan đến việc cho phép khách hàng tạo tài khoản của riêng họ trên website để tiện mua hàng ở các lần sau. Những tùy chọn này cũng dễ hiểu nên mình sẽ không kể ra chi tiết ở đây.
Bật tính năng đăng ký
Nếu bạn đã cho phép khách đăng ký tài khoản khi mua hàng nhưng website WordPress của bạn vẫn chưa mở chức năng đăng ký thì họ cũng không đăng ký được. Để mở tính năng đăng ký trên WordPress, bạn truy cập vào Cài đặt -> Tổng quan và đánh dấu vào tùy chọn “Ai cũng có thể đăng ký“.
Chống spam đăng ký
Một vấn đề nhói lòng của WordPress là luôn trở thành tâm điểm của các công cụ spam tự động. Khi mở chức năng đăng ký ra bạn sẽ nhận được vô số khách “không mời” dẫn đến database của bạn ngày càng nặng.
Trong WordPress có rất nhiều giải pháp nhưng ở đây mình khuyến khích các bạn cài plugin WP-SpamShield Anti-Spam rất dễ sử dụng nhưng mạnh mẽ. Chỉ cần cài đặt và kích hoạt, không cần tùy chọn gì thêm là nó đã bảo vệ bạn khỏi spammer tối đa rồi.
Đấy, các thiết lập về tài khoản chỉ có nhiêu đó thôi nên mình cũng không muốn viết dài dòng để còn giữ sức mà viết các bài sau chi tiết hơn. Hãy ấn qua xem bài tiếp theo để xem tiếp bài học WooCommerce nhé.