Tính năng thiết lập phí ship mặc định của WooCommerce sẽ giúp bạn có thể tự thiết lập phí vận chuyển dựa theo vị trí nhận hàng của khách hàng (dựa theo tỉnh/thành nếu bạn cài đặt plugin WooCommerce Vietnam Checkout ở bài trước), hoặc kết hợp thêm tính năng phân lớp vận chuyển (Shipping Classes) để tính phí ship dành cho một số sản phẩm đặc biệt.
Cũng nên lưu ý một điều là tính năng tính phí ship mặc định của WordPress sẽ không cần thiết nếu như bạn sử dụng dịch vụ vận chuyển của các bên chuyên giao hàng như Giao Hàng Nhanh (GHN) hay Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK). Lúc này bạn sẽ cần plugin kết nối tính phí ship tự động dựa theo phí dịch vụ của các bên này.
Sử dụng tính phí ship mặc định của WooCommerce
Nếu như bạn muốn tự đặt phí ship theo ý muốn của bạn thì có thể sử dụng tính năng tính phí ship mặc định của WooCommerce. Mặc định WooCommerce sẽ có các tính năng tính phí ship được phân chia như sau:
- Shipping Zones (khu vực vận chuyển): Thiết lập khu vực ship dựa theo tỉnh/thành của người nhận. Ví dụ bạn muốn phí ship đến Hà Nội sẽ khác so với phí ship đến Đà Nẵng, thì bạn sẽ cần tạo hai shipping zones là Đà Nẵng và Hà Nội để thiết lập phí ship riêng.
- Shipping Classes (lớp vận chuyển): Phân loại sản phẩm vào các “lớp vận chuyển” và thực hiện tính thêm phí ship ở các sản phẩm có trong lớp nào đó. Bạn cũng có thể kết hợp giữa Shipping Zones và Shipping Classes để tính phí ship cụ thể hơn. Ví dụ bạn có nhiều sản phẩm, có một vài sản phẩm cồng kềnh mà phí vận chuyển hàng cồng kềnh thường cao hơn, nên bạn sẽ tạo một shipping class có tên “Hàng cồng kềnh”, sau đó các sản phẩm giao đến Hà Nội sẽ tự cộng thêm 25.000 đồng vào phí giao hàng của sản phẩm có trong lớp “Hàng cồng kềnh”.
Thiết lập Shipping Classes
Nếu bạn dự định sản phẩm của bạn cung cấp có một số sản phẩm đặc biệt mà phí vận chuyển có thể cao hơn, như hàng dễ cháy nổ, hàng cồng kềnh, hàng dễ vỡ,…, thì nên phân loại các sản phẩm đó vào những shipping class riêng biệt.
Shipping class là một tính năng giúp bạn phân loại phí ship dễ dàng, và sau đó khi thiết lập phí ship bạn có thể thu thêm phí cho các sản phẩm thuộc một shipping class nào đó.
Để tạo shipping class bạn chọn Classes trong mục Shipping và ấn nút Add shipping class.
Sau đó bạn đặt tên, slug (không dấu, không khoảng trắng) và mô tả của shipping class cần tạo.
Sau khi tạo xong, bạn sẽ cần đưa sản phẩm tương ứng vào class này bằng cách sửa sản phẩm, ở mục Shipping trong Product data bạn chọn Shipping class vừa tạo ra.
Vậy là xong, việc còn lại là bạn sẽ tạo ra các shipping zones để thiết lập phí ship cho các sản phẩm, bao gồm các sản phẩm chứa shipping class vừa tạo.
Tạo và thiết lập Shipping Zones
Để thiết lập shipping zones, bạn truy cập vào trang quản trị, tìm đến WooCommerce => Settings => Shipping và chọn Shipping Zones.
Tại đây WooCommerce sẽ tạo sẵn các khu vực cho bạn và thường là khu vực chung đại diện phí ship cho tất cả khu vực còn lại.
Bây giờ giả sử bạn muốn thiết lập phí ship đến Bà Rịa – Vũng Tàu thì bạn sẽ cần tạo một zone đại diện cho nó, bằng cách ấn vào nút Add Zone. Trong giao diện tạo zone mới, bạn sẽ cần chọn vị trí địa lý của zone này và có thể chọn nhiều vị trí tuỳ theo yêu cầu của bạn.
Sau khi nhập thông tin tên zone và vị trí, bạn sẽ cần bấm vào nút Add shipping method để thêm các phương thức vận chuyển khi vị trí người dùng thuộc zone này. Khi thêm shipping method thì sẽ có ba kiểu tính phí vận chuyển như sau:
- Free shipping: Nếu bạn muốn khách hàng trong zone này sẽ được miễn phí ship. Khi chọn kiểu này, bạn có thể đặt tuỳ chỉnh sẽ miễn phí ship khi đơn hàng có áp dụng coupon, khi tổng giá trị đơn hàng đạt mức cố định,…
- Flat rate: Áp dụng phí ship cố định cho zone này. Phần thiết lập flat rate mình sẽ diễn giải chi tiết ở phần dưới.
- Local pickup: Phương thức ship đại diện cho việc khách đến cửa hàng tự lấy.
Một shipping zones bạn có thể đặt nhiều phương thức vận chuyển khác nhau. Ví dụ bạn có phương thức free ship sẽ miễn phí ship nếu giá trị đơn hàng đạt trên 500.000 đồng, còn nếu ít hơn nó sẽ tính phí ship flat rate.
Hướng dẫn thiết lập Flat rate
Trong phần thiết lập flat rate bạn sẽ thiết lập phí ship cố định của zone trong phần Cost.
Tại phần Cost, bạn có thể nhập số tiền phí vận chuyển cho cả đơn hàng. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng công thức để tính phí ship bằng cách kết hợp với các thẻ dữ liệu trong đơn hàng. Nó sẽ có các thẻ như sau:
– Số lượng sản phẩm trong đơn hàng
– Đại diện cho phần trăm của tổng giá trị đơn hàng
Ví dụ bạn muốn thu 15.000 đồng phí ship cho đơn hàng và mỗi sản phẩm phát sinh trong đơn hàng sẽ tự cộng thêm 5.000 đồng thì sẽ đặt công thức trong phần Cost như sau:
10000 + ( 5000 * [qty] )
Ở công thức trên nghĩa là mình sẽ đặt phí ship ban đầu là 10.000 và cộng thêm 5.000 đồng cho mỗi sản phẩm trong giỏ hàng. Dĩ nhiên giỏ hàng lúc nào cũng tối thiểu là 1 nên nếu chỉ có 1 sản phẩm thì nó sẽ cộng thêm 5.000 đồng để thành 15.000 đồng.
Hoặc bạn muốn đặt phí ship là 15% tổng giá trị đơn hàng thì sẽ đặt công thức là:
[fee percent="15%"]
Hoặc nếu bạn muốn thu 15% nhưng phải tối thiểu 20.000 nhưng tối đa chỉ 40.000 đồng thì sẽ đặt thêm tham số min_fee
và max_fee
trong công thức như sau:
[fee percent="15%" min_fee="20000" max_fee="40000]
Ở phần dưới của shipping class cost thì là phí cộng thêm cho các sản phẩm thuộc một shipping class nào đó.
Ví dụ nếu khách hàng thuộc zone Bà Rịa Vũng Tàu mua hàng thì mình sẽ thu phí ship là 25.000 đồng cho các sản phẩm thông thường, nhưng nếu mua sản phẩm được đánh dấu là “Hàng dễ vỡ” thì sẽ cộng thêm 10% phí của tổng giá trị đơn hàng thì sẽ thiết lập như hình dưới.
Khi kết hợp với shipping class, bạn cần lưu ý về tuỳ chọn Calculation type để tính phí ship cho shipping class trong trường hợp đơn hàng có các sản phẩm ở nhiều class khác nhau.
- Per class: Phí ship của shipping class sẽ tính độc lập và cộng vào tổng tiền thanh toán.
- Per order: Nếu đơn hàng có nhiều sản phẩm với shipping class khác nhau, thì khách hàng chỉ phí shipping class lớn nhất. Ví dụ bạn có 2 shipping class, phí ship lần lượt cho mỗi shipping class là 15.000 và 25.000 thì khách chỉ thanh toán 25.000 thay vì 40.000.
Khi tạo shipping zone xong bạn có thể thử nghiệm đặt hàng bằng cách tự đặt hàng và chọn khu vực cần thử nghiệm.
Nếu bạn sử dụng plugin WooCommerce Vietnam Checkout thì có thể vào trang cài đặt bật tuỳ chọn ẩn tên phương thức vận chuyển, và ẩn các phương thức vận chuyển khác nếu như đơn hàng đủ điều kiện free ship.
Kết nối tính phí ship với GHTK, GHN,…
Nếu bạn có đang liên kết sử dụng dịch vụ giao hàng của bên thứ ba như GHTK, GHN, ViettelPost,…thì lúc này sẽ cần tìm cách đồng bộ phí ship của các đơn vị này vào website để tính phí một cách chính xác nhất. Lúc này bạn sẽ không cần phải thiết lập phí ship như thao tác ở trên, mà sẽ cần một plugin nào đó để kết nối giữa website và tài khoản người bán hàng của các công ty vận chuyển này.
Dưới đây là danh sách các plugin trả phí mà bạn có thể kết nối từ WooCommerce đến các bên giao hàng để tính phí ship tự động chính xác:
- Plugin kết nối Viettel Post và WooCommerce – Lê Văn Toản
- Plugin kết nối GHN với WooCommerce – Lê Văn Toản
- Plugin kết nối GHTK với WooCommerce – Lê Văn Toản
- AfterShip Tracking – Hỗ trợ kết nối với hơn 900 công ty vận chuyển toàn cầu
Kết bài
Trong bài này bạn đã biết qua về cách thiết lập phí ship để khách hàng trả phí trong WooCommerce, cũng như nói qua về các giải pháp tính phí ship của các công ty giao hàng để đồng bộ tốt hơn. Trong bài sau, cũng là bài cuối cùng trong hướng dẫn WooCommerce mình sẽ nói qua về cách thiết lập thanh toán như thanh toán qua VietQR API, chuyển khoản ngân hàng,…