Đối với bạn website là gì? Trong bài này, chúng ta tạm gọi Website chính là một ngôi nhà mặt tiền trong mơ (của tất cả chúng ta) mà ta sẽ thực hiện kinh doanh buôn bán trên đó.
Một ngôi nhà thì sẽ gồm có cái gì? cái gì nào? là cái gì mà xây nhà lên trên đó, mảnh gì? Đúng rồi, là mảnh đất. Giỡn chơi xíu cho vui, để có nhà thì sẽ cần phải có mảnh đất, vậy thì bạn có thể tưởng tượng mảnh đất là Hosting. Nếu như bạn vẫn còn lùng bùng thì kệ nó đi.
Giờ đây chúng ta đã có mảnh đất và đã xây xong một ngôi nhà trên đó (tạm giả sử là đã xây xong nhé), nhưng mà người ghé thăm sẽ dựa vào đâu để có thể biết vị trí chính xác của ngôi nhà chúng ta đây? Là địa chỉ, đúng rồi chính là nó, chúng ta cần một địa chỉ để người khác đến và ghi nhớ, địa chỉ đó chính là tên miền (nhưng thường thì các tài liệu hướng dẫn sẽ thích gọi tên tiếng Anh của tên miền là domain nhiều hơn).
Giờ bạn đã biết được website cần phải có hosting và tên miền để hình thành, chúng ta sẽ cùng đi vào chi tiết hơn của từng phần để hiểu thêm về nó nhé. Mình xin hứa, đọc hết bài này bạn sẽ hiểu được hosting là gì để còn….qua AZDIGI đăng ký hosting ủng hộ nhà mình chứ 😎.
Hosting là gì?
Bạn lên mạng mỗi ngày, lướt TikTok và có bao giờ hỏi video của bạn đang xem được lưu ở đâu chưa? Hay có khi bạn hiểu rằng khi lướt TikTok là máy tự có video để phát cho bạn xem không chừng. Nhưng không, nó phải được lưu trữ ở đâu đó trên mạng để sẵn sàng phục vụ người truy cập.
Tương tự với TikTok, các ứng dụng hay website nào đó bạn truy cập vào đều bắt buộc phải lưu trữ ở một nơi để phân phối tới các thiết bị của người truy cập qua mạng Internet. Cái chỗ mà lưu mớ thông tin đó người ta gọi là Máy chủ, hay đọc là Sơ-vơ (Server) cho nó oách.
Với dữ liệu được lưu trữ ở máy chủ, sẽ thông qua kết nối mạng Internet để truyền tải hoặc tiếp nhận thông tin từ phía người dùng, trong thuật ngữ IT người ta gọi các thiết bị/con người đầu cuối là Client.
Và trong website cũng tương tự như vậy, bạn có thể tạm hiểu ngắn gọn rằng các dữ liệu website sẽ được lưu trữ trên một máy chủ nào đó và phân phối thông qua máy chủ web (web-server) cùng hàng tá những công nghệ, giao thức kết nối khác mà từ từ xuyên suốt chuỗi bài học mình sẽ đề cập sau.
Vậy thì nếu bạn muốn có website, bạn sẽ phải mua một cái máy chủ ngon lành, đưa dữ liệu vào trong đó, sau đó mang lên các trung tâm dữ liệu (là nơi chuyên đặt máy chủ, mạng chạy 24/7/365 chưa thấy rớt), cài đặt và sử dụng. Mình tính sơ sơ là bạn sẽ cần khoảng ít nhất hơn 100 triệu đồng để bắt đầu. Bạn sợ chưa? Ai sợ thì đi về, chưa sợ thì đọc tiếp rồi sẽ hết sợ ngay.
Dĩ nhiên bạn sẽ không cần phải tốn số tiền nhiều như thế để sử dụng được máy chủ, vì đã có những công ty chuyên về máy chủ như AZDIGI sở hữu một hạ tầng máy chủ riêng, có người theo dõi 24/7 còn hơn canh tù nhân, sau đó là chia cái máy chủ đó thành nhiều gói nhỏ rồi cho bạn thuê với giá 55.000 đồng/tháng (ví dụ về 1 gói cơ bản) để bạn đưa website lên đó. Cái gói nhỏ mà các công ty máy chủ chia ra cho bạn thuê đó, được gọi là Hosting, gói hosting cho web thì gọi đầy đủ là Web Hosting.
Về Web Hosting nó sẽ có nhiều dạng gói, tuỳ theo nhà cung cấp, nhưng nó sẽ bao gồm 2 loại chính như sau:
Shared Web Hosting (Shared Hosting) – Là một gói hosting thông dụng và cơ bản nhất với chi phí sử dụng từ vài chục, vài trăm đến vài triệu cũng có (AZDIGI có nè). Shared Hosting có cách sử dụng đơn giản vì được cài sẵn các phần mềm hỗ trợ cho mục đích lưu trữ website và một bảng điều khiển giúp bạn tương tác với máy chủ qua trình duyệt, từ đó bạn có thể tải dữ liệu lên, hoặc thao tác dữ liệu trên máy chủ trên trình duyệt máy tính.
Virtual Private Server (VPS) – VPS không được gọi là Web Hosting vì nó làm được nhiều việc hơn thế, nhưng mình liệt kê ra ở đây để bạn biết thêm. Về cơ bản là nó cũng là thành phẩm của việc chia nhỏ tài nguyên một máy chủ ra nhiều phần nhỏ cho khách hàng thuê, nhưng VPS ở một cấp độ khác hoàn toàn với Shared Hosting vì nó như một máy tính ảo hoạt động từ xa, bạn có thể (và sẽ phải) tự cài đặt các phần mềm tuỳ theo nhu cầu sử dụng. Ở cuối chuỗi bài viết này mình sẽ nói sâu hơn về VPS, vì nó là giải pháp bạn sẽ cần sử dụng nếu như website sau này mở rộng quy mô, có nhiều lượt truy cập mà dịch vụ Shared Hosting không thể đáp ứng được.
Ngoài ra còn có rất nhiều dạng dịch vụ khác như Cloud Server, Database as a Service, Docker,…nhưng mấy cái đó bạn đừng bận tậm gì tới nếu như mới bắt đầu vì sau này bạn sẽ tự tìm hiểu thêm rất dễ dàng.
Tên miền là gì?
Ở khúc trên bạn đã hiểu rõ là dữ liệu website phải được lưu trên máy chủ thì một người may mắn nào đó ở xa có internet sẽ xem được dữ liệu đó, nhưng để mình nói cho bạn biết là nếu bạn chưa có tên miền thì để xem được dữ liệu của bạn, người ta phải nhập địa chỉ website là dạng https://123.456.78.90/~abcxyz/website/file.html
.
Bởi vì khi máy chủ hoạt động trên internet, nó sẽ có một địa chỉ giao thức Internet (viết tắt là Địa chỉ IP) để xác định người ta đang truy cập máy chủ nào, rồi xác định máy chủ xong sẽ cần xác định dữ liệu cần xem ở thư mục nào, tập tin nào, hầm bà lằng đủ thứ bước khiến cho người muốn xem thông tin không thể nhớ hết địa chỉ.
Để giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ cần sử dụng một tên miền có khả năng dễ nhớ hơn để chuyển đổi địa chỉ IP qua tên miền, ví dụ như tên miền thachpham.com mà bạn đang truy cập đây là thực ra đang truy cập vào máy chủ của website này thông qua tên miền.
Nếu bạn rảnh: Đọc thêm về khái niệm Tên miền trên Wikipedia
Tên mền sẽ có hai thành phần như sau: tên-miền.đuôi-tên-miền
Mình không dùng các thuật ngữ phức tạp để nói về thành phần tên miền, nên bạn có thể hiểu đơn giản là tên miền sẽ có hai phần ví dụ như thachpham.com sẽ bao gồm:
thachpham
: Là tên của tên miền. Phần này được gọi là tên miền cấp hai (Second-level domain), tên này sẽ được biểu thị bằng chữ cái từ a đến z, chữ số từ 0 đến 9, có cho phép ký tự-
, không phân biệt in HOA và thường. Tên này sẽ do người đăng ký tên miền đặt và tự chọn, không được phép trùng nhau..com
: Là phần đuôi của tên miền, được gọi là TLD (Top-Level domain). Có rất nhiều TLD khác nhau như.com
,.vn
,.net
,…để bạn có thể lựa chọn và sử dụng. Một số TLD muốn dùng phải được cấp phép, thường là TLD thuộc cấp quốc gia như.edu.vn
dành cho giáo dục,.org.vn
dành cho tổ chức/chính phủ,…
Các cá nhân có thể toàn quyền sử dụng các TLD thông dụng và phổ biến bao gồm các TLD quốc tế (.com
, .net
, .info
,…) và của quốc gia (.vn
). Phí đăng ký và truy trì tên miền sẽ khác nhau theo từng TLD.
Khi đăng ký tên miền, bạn sẽ không phải sở hữu nó mãi mãi mà chỉ sở hữu nó cho đến khi nó hết hạn. Thời hạn tối thiểu của một tên miền khi đăng ký là 1 năm, và tối đa có thể lên đến 10 năm. Vì vậy khi làm website thì nhớ lưu lại lời nhắc gia hạn tên miền, chứ không thì mất trắng.
Đăng ký tên miền ở đâu?
Bạn có thể đăng ký tên miền thông qua bất kỳ công ty nào chuyên về lĩnh vực này. Thành thật mà nói, AZDIGI có cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền nhưng nếu bạn hỏi mình nên đăng ký tên miền ở đâu thì mình chia sẻ một danh sách bên dưới:
- Mắt Bão (Việt Nam)
- PAVietnam (Việt Nam)
- Nhân Hoà (Việt Nam)
- Namecheap (Nước ngoài)
- Godaddy (Nước ngoài)
- Squarespace (Nước ngoài)
Đây là những công ty chuyên về dịch vụ đăng ký tên miền, là nhà đăng ký (registrar) nên mình khuyên với tư cách cá nhân là nên chọn các công ty này mà đăng ký tên miền, đăng ký xong thì dùng host tại AZDIGI vẫn bình thường không sao hết hehe. Còn nếu bạn không muốn lằng nhằng thì cứ đăng ký cả tên miền và hosting bên AZDIGI là xong.
Ngoài ra còn một lưu ý nữa về thủ tục đăng ký tên miền tại các công ty Việt Nam, đó là bạn sẽ cần hoàn tất hồ sơ đăng ký tên miền theo quy định Nhà nước. Nghĩa là khi đăng ký xong, bạn sẽ thực hiện ký một tờ khai thông tin đăng ký tên miền (có thể ký điện tử hoặc ký hồ sơ cứng) thì quá trình đăng ký mới có thể hoàn tất, cái này bạn nên trao đổi với tư vấn viên trước khi bắt đầu nhé. Vì lý do này mà nhiều người chọn đăng ký tên miền qua các nhà đăng ký nước ngoài là vậy.
Tuy nhiên, dù tên miền đăng ký ở đâu, một khi đã hoạt động thì nó sẽ hoạt động như nhau, không có sự khác biệt gì cả.
Lời kết
Kết thúc nội dung bài này bạn đã nắm qua cơ bản các kiến thức cần biết về Hosting và Tên miền, cách mà chúng nó hoạt động với website của chúng ta. Dĩ nhiên các kiến thức trên chỉ là cơ bản và còn rất nhiều thông tin quan trọng khác liên quan tới, nhưng ở các bài sau khi đi vào chi tiết trong việc đăng ký hosting và tên miền mình sẽ giải thích chi tiết hơn nhé.