Tính đến thời điểm bài viết này được đăng thì WordPress đã có chặng đường hơn 20 năm phát triển, vì vậy nếu bạn cần tìm hiểu WordPress là gì thì các thông tin trên mạng không hề thiếu. Ngắn gọn thì WordPress là một mã nguồn CMS1 mở được viết bằng PHP và sử dụng MySQL làm cơ sở dữ liệu.
Nhưng ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ và thể hiện quan điểm về WordPress với khía cạnh lịch sử phát triển của nó, cùng kế hoạch trong tương lai của WordPress mà có thể nhiều người sẽ cần biết.
Lịch sử phát triển của WordPress
Nếu bạn có thời gian muốn tìm hiểu sâu hơn về quá trình lịch sử của WordPress, nhà phát triển đã có xuất bản một cuốn sách điện tử miễn phí mang tên Milestones: The Story of WordPress để bạn có thể đọc sâu hơn.
Mã nguồn mở WordPress được ra mắt lần đầu vào ngày 27/5/2003 bởi hai tác giả, một người Mỹ tên là Matt Mullenweg và một người Anh tên là Mike. WordPress không phải hoàn toàn là một dự án được hai anh chàng này tự viết hoàn toàn, mà được “fork” lại từ dự án mã nguồn mở khác là b2/cafelog,2 có một mã nguồn khác cũng được fork lại từ b2/cafelog là evolution và hiện tại vẫn hoạt động nhưng dĩ nhiên là không mạnh bằng WordPress.
Sau khi được phát hành vào năm 2003 với giấy phép mã nguồn mở GPLv23, WordPress đã thu hút được đông đảo các lập trình viên và cộng tác viên khác tham gia phát triển nó. Chính sức mạnh của cộng đồng đã đưa WordPress lên đỉnh cao của ngày hôm nay: Từ việc phát triển code, dịch thuật, tài liệu sử dụng, các sự kiện WordCamp,…tất cả đều do cộng đồng phát triển.
Vào năm 2005, “chúa tể WordPress” là Matt Mullenweg thành lập công ty Automattic và ra mắt dịch vụ nổi tiếng là WordPress.com, một dịch vụ tạo blog cá nhân dựa trên nền tảng của WordPress. Đây là một bước tiến quan trọng giúp đưa WordPress đến gần với người dùng phổ thông hơn, người dùng chỉ cần tạo tài khoản là có ngay được một trang blog làm bằng WordPress, nhưng dịch vụ này sẽ bị hạn chế các tính năng như không thể tự do tuỳ biến lại mã nguồn, cài đặt theme và plugin,…
Ban đầu WordPress được biết đến như một phần mềm chuyên mục đích tạo blog cá nhân và người dùng có thể cài nó lên máy chủ riêng để tự host. Tuy nhiên qua thời gian phát triển, nó đã dần trở thành một phần mềm quản trị nội dung (CMS) cạnh tranh trực tiếp với các CMS nổi tiếng khác như Drupal, Joomla. Hiện nay WordPress chiếm thị phần lớn nhất trong tổng các website sử dụng CMS trên toàn thế giới, số lượng lên đến hàng trăm triệu website.
Các cột mốc quan trọng của WordPress
Nếu bạn muốn biết tại sao WordPress tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong hơn 20 năm qua, hãy xem lại các cột mốc quan trọng của nó và bạn sẽ thấy sức mạnh của cộng đồng to lớn thế nào, trong việc định hình các tính năng và tầm nhìn dài hạn của cả đội ngũ (có thể là ảnh hưởng bởi Automattic).
- 2003:
Ra mắt dự án.
- 2004:
Ra mắt tính năng Plugin và Theme. Đây được xem là hướng đi thông thái và nhạy bén của WordPress vì hiện nay lý do mà WordPress vẫn là mã nguồn CMS mở không thể lật đổ được là hệ sinh thái theme và plugin rất rộng lớn, hoặc nó là một sản phẩm kinh doanh hái ra tiền của các công ty lập trình khác. - 2005:
Phiên bản WordPress 1.5 “Strayhorn” ra đời với tính năng Pages để tạo trang, giúp WordPress từ một nền tảng blog đơn thuần trở thành một hệ thống quản lý nội dung. - 2008:
Phiên bản WordPress 2.7 “Coltrane” ra mắt với sự thay đổi thiết kế trang quản trị sang dạng hai cột mà vẫn áp dụng cho đến ngày hôm nay. - 2010:
Sự ra đời của tính năng Custom Post Types ở phiên bản WordPress 3.0 “Thelonious” đưa WordPress trở thành một CMS với tầm cao mới. Giờ đây ngoài Post và Page, người dùng có thể tự tạo loại nội dung tuỳ chỉnh như Product, Portfolio,…tính năng này giúp WordPress đáp ứng được nhiều yêu cầu khác nhau, và mở rộng tính năng gần như không có giới hạn. - 2015:
Ra mắt tính năng WordPress REST API và đây là một cột mốc quan trọng để giúp WordPress có thể sử dụng như một “headless” CMS sử dụng REST-ful API. Gần đây tác giả của plugin WPGraphQL cũng đã đầu quân cho Automattic4, có lẽ WordPress cũng sẽ sớm hỗ trợ GraphQL chính thức. - 2018:
Phiên bản WordPress 5.0 “Bebo” là một phiên bản đáng nhớ với những người yêu mến mã nguồn này. Phiên bản này là lần đầu tiên WordPress bắt đầu giai đoạn một của dự án dài hạn mang tên Gutenberg với tham vọng trở thành cuộc cách mạng trong WordPress nói riêng và cả ngành công nghiệp website nói chung. Giai đoạn đầu tiên của dự án này với tính năng Block Editor lần đầu tiên được tích hợp, gây ra các tranh cãi ở thời gian đầu vì nhiều lỗi, khả năng tương thích kém nhưng đến nay đã hoạt động rất tốt. - 2023:
Phiên bản WordPress 6.3 “Lionel” ra mắt với giới thiệu tính năng thuộc giai đoạn hai của dự án Gutenberg – Full Site Editing, mở ra một kỷ nguyên mới của WordPress khi người dùng giờ đây có thể dễ dàng tuỳ biến giao diện của mình và tính năng này hiện tại đang được đẩy mạnh phát triển liên tục. Trong chuỗi bài học này mình sẽ có hướng dẫn rất đầy đủ về Full Site Editing.
Dự án Gutenberg, headless CMS và tương lai của WordPress
Ở trên bạn sẽ thấy mình nhắc đến dự án Gutenberg, và nó chính xác là những gì đã ảnh hưởng đến tầm nhìn của mã nguồn CMS phổ biến bật nhất hành tinh này.
Dự án Gutenberg5 được đặt dựa theo tên của một nhà phát minh và nghệ nhân người Đức ở thế kỷ 15 – Johannes Gutenberg6. Người đã phát minh kỹ thuật in chữ rời và ứng dụng đến ngày hôm nay, bạn có thể hiểu nếu không có ông này thì các tài liệu của chúng ta vẫn sẽ phải viết bằng tay. Chính Johannes Gutenberg đã giúp phổ biến tri thức của nhân loại thông qua việc in ấn và lan truyền sách vở dễ dàng hơn. Phát minh này đã khởi đầu cho sự kiện Cách mạng Gutenberg với cuốn kinh thánh 42 dòng trở thành cuốn sách đầu tiên được in ấn và phát hành hàng loạt ở Châu Âu vào năm 14507.
WordPress lấy cảm hứng dự án này với cái tên Gutenberg với tham vọng mong muốn thay đổi hành vi trong việc xuất bản nội dung trên WordPress giống như cách Johannes Gutenberg đã làm với nghành in ấn.
“Gutenberg” is a codename for a whole new paradigm in WordPress site building and publishing, that aims to revolutionize the entire publishing experience as much as Gutenberg did the printed word. Right now, the project is in the second phase of a four-phase process that will touch every piece of WordPress — Editing, Customization, Collaboration (which includes Real-time collaboration, Asynchronous collaboration, Publishing flows, Post revisions interface, Admin design, Library), and Multilingual — and is focused on a new editing experience, the block editor.
Theo thông tin trên trang Github của dự án Gutenberg, nó sẽ được chia thành 4 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1 – Editing: Tập trung vào cải thiện trải nghiệm xuất bản nội dung trên website, và sản phẩm nổi bật đầu tiên của giai đoạn này là Block Editor gây tranh cãi vào thời gian đầu khi nó ra mắt.
- Giai đoạn 2 – Customization: Cải thiện các vấn đề liên quan đến tuỳ chỉnh website, và tính năng ra mắt của giai đoạn này tên là Full Site Editing khi kết hợp tính năng mới là Site Editor với Block Editor để tạo nên một trải nghiệm tuỳ biến website liền mạch nhất. Ở giai đoạn này cũng đánh dấu ra mắt thêm một thuật ngữ mới tên “Block Themes”.
- Giai đoạn 3 – Collaboration: Bổ sung thêm các tính năng liên quan đến việc cộng tác chỉnh sửa nội dung và hướng đến việc xây dựng một quy trình làm việc nhóm hiệu quả hơn, bao gồm các tính năng như cộng tác theo thời gian thực, công cụ kiểm duyệt nội dung, đối chiếu nội dung thay đổi,…
- Giai đoạn 4 – Multilingual: Hiện chưa có công bố gì nhiều nhưng nhìn tên thì mình có thể biết giai đoạn này tập trung vào phát triển các tính năng hỗ trợ đa ngôn ngữ trên website.
Có thể nói tương lai gần của WordPress sẽ gắn vào dự án Gutenberg đầy tham vọng này, với các tính năng tập trung vào thay đổi thói quen phát hành nội dung trên website.
Dĩ nhiên, cũng đã có các thảo luận về việc tích hợp các công nghệ AI vào nền tảng core của WordPress nhưng chưa có các thông tin rõ ràng. Nhưng theo mình đoán sớm muộn thì WordPress cũng sẽ có các động thái phản ứng với “trend AI” này, trừ khi trend AI sớm trở nên bão hoà như trend blockchain các năm về trước.
Và tiếp theo nữa đó là WordPress sẽ cải thiện để có thể sử dụng như một “headless” CMS thực thụ, dựa theo tầm nhìn phát triển các tính năng trong dự án Gutenberg và việc tác giả plugin WPGraphQL đầu quân về cho Automattic. Bởi vì theo mình quan sát trên các headless CMS hiện nay, họ đều tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm xuất bản nội dung rất tốt, còn lại việc hiển thị ra bên ngoài sẽ do ứng dụng kết nối vào website thông qua RESTful API hoặc GraphQL đảm nhiệm.
WordPress dành cho ai?
Có một số ý kiến cho rằng website tự code chuyên nghiệp hơn so với website sử dụng WordPress. Quan điểm này chưa hẳn đã chính xác. Việc lựa chọn nền tảng nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mục đích sử dụng, kỹ năng lập trình, ngân sách và thời gian của chúng ta nữa.
Nếu mình là một người kỹ thuật viên, có khả năng tự lập trình và xem điều đó là một niềm vui của mình, thì mình chắc chắn sẽ chỉ muốn tự tay làm hết mọi thứ, còn ngon hay không thì chưa biết.
Nhưng nếu mình là một chủ doanh nghiệp, hoặc một người làm marketing, không có nhiều kỹ năng về lập trình mà mình vẫn muốn tự tay làm một website thoả mong muốn hoặc nhu cầu của mình, vậy thì tại sao mình phải tự làm khó bản thân mình?
Và xu hướng bây giờ đang là “low-code”8 hoặc “no-code”, WordPress cũng phát triển theo xu hướng như vậy khi ai cũng có thể tự tuỳ biến giao diện website của riêng mình mà không cần biết một tí gì về lập trình. Vậy thì nếu chọn WordPress có lợi nhiều hơn thì ta không có lý do gì để từ chối.
WordPress phù hợp với mọi đối tượng người dùng, có nhu cầu làm website một cách đơn giản, nhanh nhất nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ với khả năng tuỳ biến cao. Nếu bạn là người có hiểu biết sâu về lập trình, thì hãy sử dụng API của WordPress để làm ra một website hoành tráng.
Các loại website mà bạn có thể làm được rất tốt với WordPress hiện nay là:
- Blog cá nhân, trang thương hiệu cá nhân, CV/portfolio online.
- Trang tạp chí, thông tin.
- Trang thông tin về công ty, dự án.
- Trang thương mại điện tử, cửa hàng trực tuyến.
- Các trang rao vặt.
- Landing page.
- …
WordPress có dễ bị hack hay không?
Tại các báo cáo hay số liệu thống kê về bảo mật website, bạn sẽ dễ dàng thấy được WordPress chiếm phần lớn số lượng webite bị tấn công. Điều này cũng dễ hiểu vì số lượng website sử dụng WordPress gần như là áp đảo hoàn toàn so với các CMS khác. Hơn nữa, việc chiếm phần lớn thị phần của WordPress cũng là một “động lực” cho các nhóm tin tặc khi họ luôn tập trung vào phát triển các cách thức xâm nhập vào thị phần màu mỡ này.
Tuy nhiên theo thống kê The State of WordPress Security in 2023 của Pathstack9, 96,77% lỗ hổng được phát hiện ra trong WordPress xuất phát từ các Plugin, trong khi lỗ hổng từ mã nguồn core của WordPress chỉ chiếm 0,22%. Việc sử dụng nhiều plugin không có sự kiểm soát là mấu chốt chính trong bảo mật website, vậy nên mình mới luôn nhắc đi nhắc lại rằng hãy thường xuyên cập nhật phiên bản plugin/theme bằng cách bật tự động cập nhật lên hết, ngay cả khi việc cập nhật có thể sẽ gây lỗi nhưng rất hiếm khi xảy ra, còn hơn là website bị hack.
Lời kết
Mình tiếp xúc với WordPress từ những tháng cuối năm 2006 đến nay, mình là một người tự học trọn đời nên luôn tìm hiểu các tech stack khác hiện đại hơn ở thời điểm hiện nay. Tuy nhiên đối với mình, WordPress vẫn là một lựa chọn tiềm năng đến tận ngày hôm nay, bởi vì nó đã luôn được phát triển không ngừng trong suốt hơn 20 năm qua.
WordPress đã chứng minh sức mạnh của mình với sự linh hoạt, dễ sử dụng và cộng đồng hỗ trợ đông đảo. Với những cải tiến không ngừng, đặc biệt là dự án Gutenberg, WordPress đang ngày càng trở nên mạnh mẽ và thân thiện hơn với người dùng.
Nếu bạn đang có ý định tạo website, WordPress chắc chắn là một lựa chọn đáng để cân nhắc. Mà cân nhắc gì nữa, hãy chọn đi và xem bài tiếp theo của mình luôn nhé.
- https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%87_qu%E1%BA%A3n_tr%E1%BB%8B_n%E1%BB%99i_dung#:~:text=H%E1%BB%87%20qu%E1%BA%A3n%20tr%E1%BB%8B%20n%E1%BB%99i%20dung%2C%20c%C5%A9ng%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20g%E1%BB%8Di%20l%C3%A0%20h%E1%BB%87,kh%C3%A1c%20m%E1%BB%99t%20c%C3%A1ch%20th%E1%BB%91ng%20nh%E1%BA%A5t. ↩︎
- https://vi.wordpress.org/about/ ↩︎
- https://wordpress.org/about/license/ ↩︎
- https://www.wpgraphql.com/2024/10/07/wpgraphql-becomes-a-canonical-plugin-my-move-to-automattic ↩︎
- https://github.com/WordPress/gutenberg ↩︎
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Johannes_Gutenberg ↩︎
- https://en.m.wikipedia.org/wiki/Gutenberg_Bible ↩︎
- https://kissflow.com/low-code/low-code-trends-statistics/ ↩︎
- https://patchstack.com/whitepaper/state-of-wordpress-security-in-2024/ ↩︎