Khi sử dụng WordPress, việc đổi theme mới cho website là việc không thể tránh khỏi vì với số lượng theme miễn phí và theme trả phí ngày càng nhiều theme đẹp thì việc bạn lỡ “yêu” một theme mới nào đó rồi đổi sang là chuyện tất yếu xảy ra.
Nhưng khi đổi theme thì có rất nhiều vấn đề cần phải lường trước nhằm hạn chế các hậu quả như bị lỗi với các plugin trên website, một số nội dung hiển thị không đúng, vấn đề khi sử dụng shortcode, ảnh hưởng tới lượt truy cập,….Nên trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cho các bạn một số kinh nghiệm cần nên làm trước và sau khi đổi theme cho website WordPress.
Làm trước khi đổi theme
Xem xét theme cần đổi kỹ lưỡng
Nếu theme bạn cần đổi là theme bạn tự làm hay thuê người thiết kế riêng, thì hãy backup một bản dự phòng của website hiện có và phục hồi lại trên một host khác và sử dụng tên miền dạng dev.domain.com
để có thể test theme mới một cách chính xác nhất. Xem cách trỏ domain ảo vào localhost tại đây.
Còn nếu là theme có sẵn trên internet, bạn hãy xem demo của nó vì các theme thường có demo để xem. Bạn nên cân nhắc rằng theme đó có thể hiển thị tốt trên website của mình hay không hay có ảnh hưởng đến một số tính năng trên website hay không.
Thử nghiệm theme ở localhost
Khi bạn đã có một theme ưng ý, việc đầu tiên bạn nên làm là hãy cài nó vào website WordPress mới hoàn toàn ở localhost. Mục đích là để chúng ta hiểu cách sử dụng nó vì không phải theme nào cũng sử dụng giống nhau.
Khi thử nghiệm, hãy thao tác thật nhiều trên theme và lường trước mọi yêu cầu có thể xảy ra với website của bạn. Ví dụ website của bạn cần tuỳ biến lại template single.php để thêm một số thành phần trong trang hiển thị nội dung bài viết thì hãy mở template single.php ở theme mới và xem qua code trước, rồi thử tuỳ biến xem nó có dễ không. Vì có rất nhiều bạn thấy theme đẹp liền đổi sang mà không hề biết rằng theme đó không thể hoặc rất khó tuỳ biến.
Liệt kê các tính năng quan trọng trên website của bạn
Đây là bước gần như bắt buộc để đảm bảo website của bạn hiển thị tốt trên theme mới, vì theme có sẵn họ làm ra không phải phục vụ cho riêng bạn nên chắc chắn nó sẽ có những chỗ không phù hợp với nhu cầu nên chuyện tuỳ biến lại. Mà muốn tuỳ biến lại bạn phải biết website của mình có những gì quan trọng cần hiển thị tốt. Ví dụ dưới đây là một đoạn ghi chú cho website trước khi đổi theme:
- Trang chủ -- Hiển thị bài mới nhất -- Hiển thị bài mới cập nhật -- Dùng sidebar riêng - Single -- Nút chia sẻ của Easy Button Social Share -- Hiển thị serie meta ở bài viết thuộc serie -- Bài liên quan từ JetPack -- Quảng cáo đầu bài, quảng cáo giữa bài và cuối bài -- Facebook Comment - Thuật ngữ (/glossary) -- Hiển thị danh sách thuật ngữ - Serie (/danh-sach-serie) -- Hiển thị bài viết trong serie -- Dùng sidebar riêng cho serie
Và khi đổi theme, hãy đối chiếu lại đoạn note này xem có cần bổ sung gì không.
Backup toàn bộ website rồi cài ở localhost
Khi đổi theme, bạn hãy đổi ở localhost với dữ liệu của website bạn. Tức là bạn sẽ mang toàn bộ website của bạn về localhost để chạy nhằm có thể thấy được theme nó hoạt động thế nào trên website. Bước này cũng rất đơn giản, bạn có thể dùng plugin Duplicator hoặc XCloner để backup và khôi phục ở localhost nếu bạn không rành kỹ thuật.
Hoặc nếu bạn làm thủ công, sau khi phục hồi ở localhost thì nhớ sửa đường dẫn trong phpMyAdmin, bảng wp_options
, hàng site_url
.
Xem thêm:
- Cách sử dụng Duplicator
- Cách backup dữ liệu WordPress thủ công
- Cách khôi phục dữ liệu WordPress thủ công
Như vậy là lúc này bạn có thể vô tư đổi theme ở localhost mà không sợ ảnh hưởng tới website chính.
Sau khi đổi theme
Sau khi bạn đã đổi theme xong, cảm thấy mọi thứ đã ổn định và không có lỗi gì xảy ra thì hãy tiến hành làm các việc sau.
Chạy thử nghiệm trên môi trường host
Bây giờ bạn nên lên host nào đó hoặc host của chính website bạn, tạo một thư mục riêng và thêm một subdomain kiểu như dev.domain.com rồi đưa toàn bộ dữ liệu ở localhost lên để chạy nó. Mục đích cần phải thử nghiệm trên host là do có thể theme của bạn sẽ lỗi hoặc có một số code không tương thích với các phần mềm trên host nên hãy kiểm tra ở host cho kỹ rồi mới sử dụng được. Vả lại, các tính năng kết nối với dịch vụ thứ ba như các nút like Facebook, Facebook Comment, kiểm tra Google Structure,.. chỉ có thể làm ở trên host.
Lúc này, bạn nên cài plugin Ultimate Coming Soon để hiển thị thông báo nâng cấp website nhằm ngăn chặn người dùng vào xem. Ngoài ra, bạn cũng nên debug website bằng cách sửa WP_DEBUG
trong wp-config.php thành TRUE
rồi cài plugin Debug Bar vào để xem có nhiều lỗi ở theme mới hay không.
Backup website chính
Bây giờ bạn hãy tiến hành backup website chính một lần nữa và cất ở đâu đó nhằm có thể dễ dàng lấy ra khôi phục nếu gặp vấn đề bất trắc trong khi đổi sang theme mới.
Đổi theme ở website chính
Đây là bước quan trọng này, lúc này bạn chỉ cần lấy dữ liệu của website test trên host ở đường dẫn dev.domain.com mà bạn đã làm trước đó đưa về website chính thôi. Nếu bạn có một host thì chịu khó cho website bị không truy cập được một xíu.
Còn nếu bạn có nhiều host thì hãy mang dữ liệu hiện tại của website bỏ qua host dự phòng, sau đó trỏ domain về host dự phòng. Kế tiếp là xoá nội dung cũ trên host và chuyển dữ liệu của website đã đổi theme về. Khi khôi phục xong, hãy sửa file hosts trên máy tính để trỏ domain về host chính nhằm mục đích kiểm tra xem website đã chạy tốt chưa.
Nếu website đã chạy tốt rồi, thì lúc đó mới đổi DNS trỏ domain về host chính là được.
Cách trỏ domain về IP trên máy tính
Như mình có nói ở trên, thay vì sửa DNS của domain thì khi đổi theme, bạn có thể trỏ domain chính hoặc domain dev.domain.com về một host nào đó trên máy tính thay vì sửa DNS vì nó lâu, trong khi bạn cũng không có nhu cầu cho phép website truy cập bởi những người dùng khác.
Để làm việc này, bạn tìm đến file hosts ở trên máy tại:
- Windows:
C:\Windows\system32\drive\etc\hosts
- Mac: /
private/etc/hosts
(cần sudo) - Linux:
/etc/hosts
Sau đó bạn có thể trỏ domain bằng cách thêm một dòng vào file hosts với cấu trúc:
127.0.0.1 domain.com
Trong đó, 127.0.0.1 là IP của host bạn cần trỏ domain về.
Ok, bây giờ bạn có thể truy cập một host khác thông qua domain đã trỏ mà không cần sửa DNS. Lưu ý là sau khi đổi xong, có thể bạn cần xoá cookie của trình duyệt hoặc đợi một lát.
Lời kết
Như vậy là trong bài này mình đã chia sẻ cho các bạn một số kinh nghiệm trong việc đổi theme. Công việc đổi theme thì dễ rồi, nhưng cái khó là làm sao để đổi theme mà bạn đỡ tốn thời gian sửa lỗi, hoặc không phải gặp các lỗi không mong muốn xảy ra.
Bài này mình viết hơi nhanh nên không có hình ảnh gì cả, nhưng nếu bạn thắc mắc chỗ nào thì cứ tự nhiên bình luận ở dưới bài nhé.