Sau khi tìm hiểu về sơ bộ những tuỳ chỉnh cần thiết trong WordPress mà bạn đã thao tác ở phần trước, thì phần này bạn sẽ tìm hiểu qua về một công việc mà nó sẽ chiếm phần lớn thời gian của bạn trong suốt quá trình vận hành một website, đó là đăng và quản trị nội dung.
Cơ chế quản trị nội dung trong WordPress rất mạnh mẽ, được chia thành hai tính năng chính bao gồm:
Bài Viết (Post) – Tính năng post là nơi để bạn đăng các nội dung mà có tính phân loại, chẳng hạn như bài viết. Phân loại ở đây là bạn có thể phân theo từng danh mục (category) và thẻ (tag), có mục bình luận. Nói chung nếu bạn muốn đăng bài viết dạng liên tục, có tính cập nhật nhiều thì sử dụng tính năng post này.
Trang (Page) – Tính năng này giống hệt như Post ở giao diện soạn thảo nội dung, chỉ khác là trên Page sẽ không có mục phân loại page theo category hoặc tag, nó giống như một trang riêng biệt và độc lập, và có đường dẫn sau khi đăng lên là dạng tên-miền.tld/tên-trang/
. Một số ví dụ để dùng Page là bạn tạo trang Liên hệ, Giới thiệu, giới thiệu 1 dịch vụ hay sản phẩm nào đó. Page cũng không có mục bình luận giống như Post.
Trong bài này, mình sẽ chia hướng dẫn thành hai phần để hướng dẫn riêng cho Post và Page.
Sử dụng Post (bài viết)
Đầu tiên bạn cần truy cập vào giao diện quản lý các bài viết bằng cách nhấp vào mục Posts => All Posts trên thanh tay trái của trang quản trị. Sau đó bên tay phải sẽ hiển thị giao diện quản lý các bài viết có trên trang, bao gồm tên tác giả, category, tag và ngày đăng.
Bạn thấy bài Hello world! không? WordPress nó đang chào bạn đó. Đây là một bài viết đăng sẵn, nếu bạn nhìn ở trang chủ kéo xuống phía dưới sẽ thấy nó ngay.
Thao tác đăng một bài viết mới
Bây giờ chúng ta sẽ thử đăng một bài viết mới xem sao nhé, bằng cách ấn vào nút Add New Post ở trên.
Sau đó bạn sẽ đến giao diện đăng bài của WordPress, nó sẽ bao gồm các phần như Thanh điều hướng (1), giao diện soạn nội dung (2) và cột tuỳ chọn (3).
Bạn cũng có thể tạm ẩn/hiện thanh tuỳ chỉnh bên phải bằng cách nhấn vào biểu tượng bên tay phải phái trên trang, kế nút Save.
Bây giờ chúng ta sẽ thử tập trung soạn nội dung cơ bản của một post trước, bằng cách nhập tiêu đề bài viết vào mục Title, sau đó nhập nội dung ở phía bên dưới nó.
Sau khi soạn xong, bạn chọn tuỳ chọn Post trong cột tay phải để quay trở lại giao diện tuỳ chỉnh bài viết.
Ở đây, bạn sẽ phân loại bài viết băng cách chọn danh mục trong phần Categories, bạn có thể ấn nút Add New Category để tạo nhanh một danh mục mới ngay tại trang này, sau khi tạo xong thì chọn nó. Ví dụ mình có tạo một danh mục mang tên Tin giải trí như bên dưới.
Bạn có thể tạo thêm danh mục con bằng cách chọn danh mục cha ở Parent Category.
Làm tương tự với tag, nếu bạn chưa biết cách dùng tag như thế nào thì tham khảo bài viết Sử dụng category và tag như thế nào cho hợp lý của mình. Ở đây mình tạm nhập tag là âm nhạc, linkin park
ám chỉ bài này nhìn chung là tin giải trí, và gắn thẻ âm nhạc
và linkin park
để có một chuyên mục nhỏ dành riêng cho các chủ đề này mà không cần phải tạo ra nhiều danh mục.
Sau đấy ấn nút Publish để thực hiện đăng bài này ra website.
Sau khi đăng xong, bạn nhấp vào nút View Post để xem bài này hiển thị ra ngoài website trông như thế nào nhé.
Sau khi xem ở bên ngoài bạn sẽ thấy nó hiển thị ra như thế này, mang đủ các thông tin mà ta đã thiết lập trước đó, bao gồm tiêu đề (1), thông tin bài viết (gọi là post metadata, 2), nội dung soạn thảo (3) và tag bài viết (4).
Nếu bạn nhấp chuột vào tên danh mục và tag trong bài viết thì sẽ ra một trang phân loại, đây là lý do tại sao chúng ta dùng đến category và tag, cốt yếu là để phân loại cho người đọc dễ tìm nội dung liên quan hơn.
Quản lý Category và Tag
Khi website bạn đã có nhiều category và tag rồi, thì có thể truy cập vào mục Posts => Categories hoặc Posts => Tags để quản lý chúng ở giao diện riêng.
Lên lịch đăng bài viết
Một tính năng khác thú vị trong WordPress là bạn viết bài mà không muốn đăng ngay, thì có thể lên lịch để nó tự đăng ở một giờ khác mà không cần phải vào bấm nút đăng thủ công.
Để thực hành tính năng này, bạn tạo một bài viết mới và nhập nội dung, sau đó ở mục Publish thì bạn nhấp vào chữ Immediately để thay đổi giờ đăng. Ví dụ bên dưới là mình set bài đăng này tự đăng vào lúc 09g30p ngày 31/08.
Thiết lập xong hết rồi thì ấn nút Schedule để bắt đầu đưa bài viết vào danh sách chờ đăng.
Thiết lập featured image – Ảnh đại diện cho bài viết
Ảnh đại diện trong bài viết là một tính năng bạn phải dùng khi đăng bài, vì rất nhiều theme hiện nay sẽ hiển thị bài viết kèm một tmas ảnh đại diện, và đó chính là featured image.
Để thiết lập ảnh featured, bạn ấn vào nút Set featured image ở khung tuỳ chọn bài viết và chọn hoặc tải lên hình ảnh cần thiết lập.
Sử dụng Page (trang)
Về cách sử dụng trang thì phần lớn thao tác soạn nội dung sẽ y hệt với Post ở trên, nên ở đây mình sẽ nói qua về một số khác biệt thôi nhé.
Để tạo trang, bạn truy cập vào Pages => Add New Page.
Khi thêm một page mới, nó sẽ gợi ý các pattern được thiết kế sẵn để bạn sử dụng, tạm thời bạn bỏ qua phần này đi nhé vì mình sẽ nói kỹ hơn ở bài sau.
Khác với post là bài viết sẽ hiển thị ở khu vực liên quan đến hiển thị bài viết, còn page sẽ không hiển thị gì cả mà sẽ chỉ thấy nội dung khi truy cập trực tiếp vô trang.
Vì vậy để người truy cập nhìn thấy. và vào được thì thường chúng ta sẽ gắn liên kết trang vào thanh menu hoặc trong nội dung.
Với giao diện mặc định của WordPress, page sẽ hiển thị lên trên menu của website khi tạo ra. Bạn có thể thử tạo một trang và nhìn lên menu website sau khi đăng lên nhé.
Mang nội dung một Page làm trang chủ
Một công dụng khác của Page mà Post không làm được đó là bạn có thể cho nó làm trang chủ, nghĩa là nội dung của một page nào đó sẽ hiển thị ra trang chính của website thay vì trang chủ mặc định.
Bây giờ bạn thử tạo một Page bất kỳ, nhập bất kỳ nội dung vào, có thể đặt tên là Trang chủ để dễ nhận biết và đăng lên.
Sau đó bạn truy cập vào Settings => Reading và thiết lập Homepage là trang vừa tạo ra (tức Trang chủ).
Bây giờ bạn truy cập vào trang chủ website sẽ thấy nội dung vừa tạo trở thành nội dung chính hiển thị ra ngoài. Nếu muốn quay lại như cũ thì bạn chọn lại là Your latest posts là được.
Cũng theo cách đó, nhân đây bạn có thể tạo một trang hiển thị bài viết, bằng cách tạo mới một trang với tên là Bài viết, nội dung để trống, sau đó cũng quay lại mục Settings => Reading và thiết lập Posts page là trang Bài viết vừa tạo.
Bây giờ khi xem lại trang Bài viết, nội dung của nó sẽ là trang hiển thị giống trang chủ lúc đầu và có phần hiển thị các bài viết mới nhất.
Kết bài
Trong bài này bạn đã nắm qua các thao tác quan trọng cần biết khi soạn nội dung và đăng tải nội dung lên website WordPress rồi, tuy nhiên nó vẫn còn thiếu những hướng dẫn chi tiết hơn về Block Editor mà mình sẽ đề cập ở phần sau.