Trang chủ Wordpress WordPress 5.5 – Bản cập nhật đáng để mong đợi

WordPress 5.5 – Bản cập nhật đáng để mong đợi

bởi Thạch Phạm
25 bình luận 11,K views

Tham gia nhóm hỗ trợ WordPress

Tham gia nhóm Hỗ trợ Server - Hosting & WordPress để cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề về WordPress, tối ưu máy chủ/server.

Tham gia ngay

Tất cả người dùng mã nguồn WordPress trên toàn thế giới luôn gắn bó với mã nguồn này không chỉ vì có một cộng đồng đông đảo, nhiều lựa chọn plugin để thêm tính năng trong website cùng thư viện giao diện khổng lồ có sẵn. Mà nó còn nằm ở một vấn đề quan trọng hơn đó là mã nguồn này luôn được phát triển liên tục không ngừng để giúp WordPress ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.

Cứ đúng theo chu kỳ khoảng 5 tháng một lần, một phiên bản cập nhật khác của WordPress lại ra đời với nhiều tính năng hay ho. Và sắp tới đây vào ngày 11/08/2020, một phiên bản cập nhật nhỏ khác là WordPress 5.5 ra mắt mang đến nhiều tính năng giúp người sử dụng thuận tiện hơn.

Nếu như WordPress 5.4 ra mắt vào tháng 03/2020 chỉ tập trung vào việc cải thiện tính năng soạn thảo kiểu khối (block editor) làm nhiều người thất vọng thì phiên bản cập nhật lần này đã có thể an ủi một phần nào vì nó sẽ cải thiện nhiều thứ.

Mặc dù WordPress 5.5 không phải là một bản cập nhật lớn nhưng theo mình, nó lại mang đến một số tính năng khá đáng giá mà đáng lẽ WordPress nên có từ lâu rồi mới phải.

Khuyến mãi Black Friday

Thôi mở bài vậy là quá dài rồi, chúng ta cùng đi chi tiết các tính năng mới trong phiên bản WordPress 5.5 nhé.

Tính năng mới trên WordPress 5.5

Core Sitemap (XML Sitemap)

Bắt đầu từ phiên bản WordPress 5.5, tính năng XML Sitemap sẽ tự động mặc định có trong website mà không cần phải thông qua một plugin nào khác. Nếu bạn vẫn chưa biết XML Sitemap dùng để làm gì thì nó giống như một sơ đồ trang web, để khai báo lên Google Search Console giúp Google tìm nội dung website nhanh hơn nhằm đánh chỉ mục.

WordPress 5.5 - Bản cập nhật đáng để mong đợi 19
Giao diện sitemap trên WordPress 5.5

Theo mình nghĩ việc có sẵn sitemap là hợp lý vì các tính năng cập nhật sitemap này thường tốn một khoảng tài nguyên máy chủ nhất định. Nên từ WordPress 5.5, bạn có thể tắt tính năng sitemap trong plugin Yoast SEO hay Rank Math đi để dùng mỗi Core sitemap của WordPress.

Và đường dẫn sitemap của WordPress sẽ là domain.ltd/wp-sitemap.xml, bạn có thể mang đường dẫn này lên Google Search Console. Thachpham.com sẽ dùng sitemap này khi WordPress 5.5 chính thức ra mắt coi như chuột bạch luôn nhé ?.

Nếu bạn sử dụng webserver là NGINX thì đường dẫn /wp-sitemap.xml có thể bị lỗi 404, do vậy bạn cần chèn thêm đoạn sau vào cấu hình NGINX của tên miền nhé:

rewrite ^/wp-sitemap\.xml$ "/index.php?wp-sitemap.xml" last;
rewrite ^/wp-sitemap-([a-z]+?)-(\d+?)\.xml$ "/index.php?wp-sitemap-$1-$2.xml" last;
rewrite ^/wp-sitemap-([a-z]+?)-([a-z\d-]+?)-(\d+?)\.xml$ "/index.php?wp-sitemap-$1-$2-$3.xml" last;
rewrite ^/wp-sitemap\.xsl$ "/index.php?wp-sitemap.xsl" last;
rewrite ^/wp-sitemap-index\.xsl$ "/index.php?wp-sitemap-index.xsl" last;

Trường hợp bạn muốn tắt sitemap mặc định của WordPress 5.5 thì có thể chèn đoạn sau vào tập tin functions.php nhé:

add_filter( 'wp_sitemaps_is_enabled', '__return_false') ;

Tăng tốc với Lazyload

Kỹ thuật Lazyload có thể đã không còn quá xa lạ với tất cả chúng ta khi nó đã được sử dụng từ rất lâu. Lazyload là một kỹ thuật chỉ tải ảnh khi người dùng cuộn trang đến thành phần ảnh đó, nghĩa là các ảnh nằm bên dưới website mà người dùng không thấy khi vào website sẽ không được tải.

Lazyload hầu như hiện tại được tích hợp sẵn vô rất nhiều theme và plugin hỗ trợ khác, do vậy mình nghĩ là tính năng này bổ sung sẽ làm khá nhiều website đã dùng lazyload trước đó bị xung đột. Thậm chí nhiều người dùng website có kỹ thuật Lazyload mà không biết bật/tắt nó ở đâu luôn ấy.

Trường hợp website bạn đã có Lazyload và muốn tắt tính năng Lazyload của WordPress thì có thể tắt bằng cách chèn đoạn sau vào tập tin functions.php của theme:

add_filter('wp_lazy_loading_enabled', '__return_false');

Hoặc nếu bạn không biết sửa tập tin trên thì có thể cài plugin Disable Lazy Loading vào cũng được, nó cũng chỉ có một dòng code thôi nên không lo nặng website đâu.

Tự động cập nhật plugin

Thời gian qua chúng ta chứng kiến rất nhiều các plugin có lổ hổng bảo mật làm website dễ dàng bị xâm nhập hoặc phát tán mã độc. Tuy nguy hiểm là vậy nhưng đa phần các lổ hổng này được sửa khá sớm và nhiều người sẽ không biết cho đến khi phiên bản cập nhật vá lỗi được tung ra.

Do vậy tính năng tự động cập nhật plugin trên WordPress 5.5 rất hữu ích trong việc giúp website luôn trong trạng thái được cập nhật các plugin phiên bản mới nhất, giảm thiểu tối đa rủi ro bị khai thác lỗi vì nhiều khi không phải ngày nào chúng ta cũng vào website để kiểm tra có plugin phiên bản mới hay không.

Tính năng này có thể bật/tắt dễ dàng thông qua giao diện danh sách plugin đã cài trên website.

WordPress 5.5 - Bản cập nhật đáng để mong đợi 20
Bật tắt tính năng tự động cập nhật phiên bản plugin

Ngoài ra với phiên bản WordPress 5.5, nếu bạn muốn cập nhật một plugin không phải từ thư viện mà từ tập tin .zip trên máy tính thì không cần phải upload thủ công lên máy chủ qua FTP nữa, mà bạn có thể upload tập tin .zip lên trực tiếp giống như cài plugin mới, nó sẽ tự động cập nhật.

Danh mục block và block pattern

Ở phiên bản WordPress 5.5, bạn đã có thể tìm block cần sử dụng dễ dàng hơn với tính năng danh mục block mới, và bên cạnh đó bổ sung thêm block pattern (các mẫu block được thiết kế sẵn) hứa hẹn sẽ là nơi để những nhà phát triển theme/plugin dễ dàng chèn các mẫu block được thiết sẵn nhằm giúp người dùng sử dụng tiện lợi hơn.

Block directory và Block pattern

Chỉnh sửa ảnh trực tiếp (Inline image editing)

Việc chỉnh sửa ảnh trong bài viết sẽ trở nên nhanh hơn thông qua việc chỉnh trực tiếp trên khung soạn thảo thay vì phải thiết lập riêng trên một giao diện khác.

Một số cập nhật cho lập trình viên

Khai báo môi trường (Environment)

Môi trường (Environment) đã được mình nhắc qua trong bài viết Thiết lập staging cho WordPress trên cPanel, và ở WordPress 5.5, lập trình viên có thể điều khiển một số tính năng hỗ trợ trong việc phát triển trên từng môi trường khác nhau bằng cách khai báo một đoạn sau trong wp-config.php:

define( 'WP_ENVIRONMENT_TYPE', 'staging' );

WordPress hỗ trợ 4 giá trị cho constant WP_ENVIRONMENT_TYPE như sau:

define(
    'WP_ENVIRONMENT_TYPES',
    array(
        'production',
        'staging',
        'development',
        'test',
    )
);

Và khi lập trình, chúng ta có thể dùng hàm wp_get_environment_type() để lấy giá trị môi trường đang thiết lập hiện tại để điều khiển các tính năng như mong muốn.

Truyền dữ liệu vào các hàm template

Các hàm template như get_header(), get_template_part() giờ đây đã hỗ trợ thêm tham số $args để truyền một dữ liệu nào đó vô thẳng template khi gọi các hàm này ra.

Điều này khá có lợi trong việc giúp các lập trình viên sáng tạo thêm những cách để biến tấu sản phẩm của mình linh hoạt hơn.

Để hiểu chi tiết hơn thì bạn có thể xem ví dụ tại đây chứ mình không viết ra đây để bài viết sẽ hơi khó hiểu với các bạn không phải là lập trình viên.

Lời kết

Dĩ nhiên ngoài các tính năng mới trên bài viết mình có mô tả thì nó còn một số tính năng và thay đổi nho nhỏ khác nhưng cái này mình để dành cho các bạn tự khám phá thêm nhé.

Nếu bạn muốn trải nghiệm WordPress 5.5 trước ngày ra mắt vào 11/08/2020 thì có thể sử dụng plugin WordPress Beta Tester để trải nghiệm phiên bản beta, nhưng việc này bạn chỉ nên làm với website thử nghiệm ở localhost thôi nhé để tránh gây ra lỗi trên website chính.

4.3/5 - (21 bình chọn)
25 bình luận

Hiện tại blog tạm đóng bình luận vì mình cần tập trung thời gian vào cập nhật bài viết. Bình luận sẽ mở ra cho đến khi mình sẵn sàng.